Châu Âu tranh cãi quanh mục tiêu giảm thải

ThienNhien.Net – Châu Âu đã đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ giảm 20% lượng phát thải các-bon so với mức năm 1990. Song, một số chính trị gia tại đây vẫn cho là mức giảm 20% còn chưa thỏa đáng và tiếp tục nâng mục tiêu lên tới 30%. Điều này đã nhanh chóng nhen lên cuộc tranh cãi mới xoay quanh mục tiêu giảm thải của Liên minh Châu Âu (EU).

Thực tế, mức giảm thải 20% mà EU đặt ra, chưa nói đến mức 30%, đã được coi là một mục tiêu táo bạo, đầy tham vọng. Tuy nhiên, với tỷ lệ giảm thải hiện nay – riêng năm 2010, lượng phát thải của châu Âu đã giảm 8% – thì mục tiêu trên hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Thành công trong việc cắt giảm lượng phát thải các-bon thời gian gần đây xuất phát từ nỗ lực và khả năng của các nhà tiêu dùng năng lượng lớn ở châu Âu trong việc thích ứng với một xu hướng năng lượng mới. Thêm vào đó, bước tiến của các nguồn tái tạo cũng giúp cắt giảm đáng kể lượng phát thải từ các nguồn phát điện.

Những tranh cãi về mục tiêu giảm thải của EU vào năm 2020 chưa có dấu hiệu ngừng lại (Ảnh minh họa: Greenbang.com)

Mặc dù vậy, câu hỏi về việc nên thêm hay không 10% vào mục tiêu giảm thải năm 2020 hiện vẫn đang được bàn luận.

Theo Hubert Mandery, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Châu Âu (ECIC), việc thúc ép những quy chuẩn hạn chế phát thải có thể làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu hơn là chống lại nó. Ông cho hay: “Ngoài tác động kinh tế, thúc ép giảm thải dễ tạo ra sự rò rỉ các-bon. Dấu chân các-bon của châu Âu sẽ thực sự lớn dần vì lượng phát thải các-bon có thể đi vào cửa sau dưới hình thức hàng nhập khẩu từ các nước phát thải cao”.

Rất nhiều ngành công nghiệp tại châu Âu giờ đây đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ bên ngoài, thậm chí còn bị đe dọa tới khả năng sống còn, khiến hàng hóa của họ trở nên quá mức đắt đỏ. Hơn nữa, đa số công ty hoạt động trong những ngành này đều đã thích ứng với mục tiêu phát thải hiện tại – 20%. Do vậy, nếu phải thích ứng ở mức độ cao hơn sẽ gây tổn thất cho họ trong việc hiện đại hóa trang thiết bị cũ cũng như thực thi những chính sách mới. Và cuối cùng, có lẽ người lao động chính là đối tượng chịu tổn thất, giá cả hàng hóa tiêu dùng nội địa có thể sẽ tăng lên.

Trái với luồng ý kiến trên, một bộ phận chính trị gia nuôi tham vọng gia tăng mục tiêu giảm thải vẫn khăng khăng cho rằng những quy chuẩn hạn chế các-bon khắt khe hơn sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chẳng hạn, Connie Hedegaard, cố vấn của EU về biến đổi khí hậu, chia sẻ: “Nhiều người hay suy nghĩ theo kiểu sản xuất nhiều hơn nghĩa là ta phải phát thải nhiều hơn. Đó chỉ là lối kinh doanh của thế kỷ XX, còn giờ đây đã bước sang mô hình của thế kỷ XXI”. Để chứng minh, Hedegaard đã dẫn ví dụ về một vài nền kinh tế ở châu Âu – nơi sản xuất gia tăng suốt 20 năm qua mà vẫn giảm được phát thải. Bà tin tưởng châu Âu có thể đạt được mục tiêu 30% và chắc rằng điều đó sẽ giúp châu Âu vươn tới mục tiêu giảm thải dài hạn từ 80 – 95%.

Một số nhà vận động chiến dịch xanh cũng tỏ ra đồng tình với mục tiêu giảm nhiều hơn 20% lượng phát thải các-bon. Đồng thời, họ còn khẳng định nếu không thực hiện mục tiêu thì những công việc mới liên quan tới công nghệ sạch sẽ sớm chuyển qua tay Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

Hiện nay, cuộc tranh luận về mục tiêu giảm thải của EU vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.