Cơn lốc phá rừng chừa lại rừng thiêng

ThienNhien.Net – Trải qua bao nạn phá rừng xảy ra từ đầu những năm 1980 đến nay nhưng 10ha rừng thiêng ở thôn Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng vẫn đứng vững. Không phải bởi “lâm tặc” sợ bị chính quyền phát hiện mà họ sợ bị ứng nghiệm bởi chính lời thề đã hứa với thần rừng khi xưa.

Luật tục giữ rừng của làng rất nghiêm khắc. Dân trong làng không được phép chặt cây trên rừng, không được để người ngoài đến phá rừng lấy gỗ quý, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng và bị đuổi khỏi làng. Nhờ quy định nghiêm ngặt trên nên qua bao năm, Lũng Tủng vẫn giữ được hầu hết các loại gỗ quý trong rừng thiêng, cá biệt có cây nghiến cổ thụ nghìn năm tuổi và nhiều loài thú quý như khỉ, nai, nhím, sóc…

Mó nước dưới rừng thiêng thôn Lũng Túng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

Việc dân bản đặt một miếu thờ ở ngay vị trí đầu làng, sát cạnh “cụ” nghiến cũng nhằm mục đích nhắc nhở người dân nhớ tới luật tục. Cứ mỗi dịp xuân về, dân làng lại tề tựu đông đủ để tạ ơn thần rừng đã cung cấp nước và đem lại mùa màng tươi tốt. Họ sợ cánh rừng thiêng (người Tày ở Kim Loan còn gọi là Đông Shấn) bị chặt phá bởi như thế các mó nước sẽ dần cạn kiệt, ruộng đồng héo khô, và khi đó người dân cũng mất nguồn sinh sống – đúng như lời nguyền trong hương ước.

Cũng nhờ tiếng thơm trong việc giữ rừng mà từ năm 2004, Lũng Tủng đã được chọn làm điểm thực hiện Chương trình thí điểm rừng lâm nghiệp cộng đồng, được hỗ trợ kinh phí tuần tra rừng. Tuy nhiên, 20 thành viên trong tổ bảo vệ đều không màng tới lợi ích đó, tất cả đều tham gia nhiệt tình bất kể trời nắng hay mưa. Thậm chí, các anh em còn tự nguyện xung toàn bộ kinh phí tuần tra rừng vào quỹ chung để chi dùng cho những công việc của thôn bản.

Theo ông Hoàng Văn Hạnh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Hạ Lang, không ít xã trong huyện hiện cũng vẫn giữ được những cánh rừng thiêng như ở Lũng Tủng, do đó việc triển khai mô hình rừng cộng đồng ở các xã như Kim Loan, Đức Quang, An Lạc, Thắng Lợi ít nhiều mang lại kết quả khả quan. Và cũng nhờ luật tục thiêng liêng ấy mà các kiểm lâm viên địa phương cũng vơi đi nỗi lo đối phó với “lâm tặc”.

Điều đáng quan ngại là ngoài những khu rừng thiêng thì không ít cánh rừng ở Cao Bằng hiện đang bị tàn phá mạnh, đặc biệt là những cánh rừng nghiến nhiều năm tuổi. Hy vọng địa phương sớm có biện pháp “luật tục hóa” đối với những cánh rừng còn lại để đâu đâu cũng là Đông Shấn, là rừng thiêng được cộng đồng gìn giữ, bảo vệ. Và đây cũng chính là cách giữ rừng an toàn, bền vững nhất.