Bảo tồn các loài culi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Nằm trong chương trình hợp tác giữa Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (KBTTN) về bảo tồn các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, nhóm nghiên cứu CCD và KBTTN Xuân Liên vừa điều tra culi ở khu vực phía Nam của khu bảo tồn.

Loài culi nhỏ được ghi nhận tại sinh cảnh rừng hỗn giao tre-nứa ở KBTTN Xuân Liên

Qua điều tra đã ghi nhận được 8 cá thể culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus) tại khu vực phía Nam của khu bảo tồn. Các cá thể culi được ghi nhận ở nhiều kiểu sinh cảnh khác nhau, nhưng chủ yếu là ở các sinh cảnh rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre – nứa.

Nhóm không ghi nhận được culi ở các kiểu rừng kín thường xanh, mà chủ yếu rừng gỗ lớn. Trong 8 cá thể culi ghi nhận đợt này có 3 cá thể được ghi nhận tại sinh cảnh rừng keo tai tượng.

Đây là ghi nhận mới khác với các ghi nhận trước đây, vì rừng keo được coi là khu vực không phù hợp với động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng.

Ghi nhận này cho thấy sự thích nghi của culi với các sự thay đổi về thảm thực vật ở khu vực chúng sinh sống. Kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy, loài culi lớn đã trở nên rất hiếm ở các vùng phân bố của chúng. Qua các đợt điều tra, nhóm mới phát hiện được 2 cá thể culi lớn, tần suất ghi nhận thấp hơn rất nhiều so với gần 30 cá thể culi nhỏ đã được ghi nhận.

Một trong 3 cá thể culi nhỏ được ghi nhận tại rừng trồng keo.

Để bảo tồn loài culi tại KBTTN Xuân Liên, trong thời gian tới, CCD tiếp tục phối hợp với KBTTN Xuân Liên đẩy mạnh các hoạt động điều tra, nghiên cứu về các loài culi nhằm cung cấp thông tin quần thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng nghiên cứu loài culi lớn nhằm xác định các cơ hội để bảo tồn, phục hồi quần thể cho loài này.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông cho cộng đồng để hạn chế các hoạt động săn bắt động vật hoang dã trái phép và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn culi và các loài động vật hoang dã trong khu bảo tồn.