Năng lượng tái tạo khởi sắc

ThienNhien.Net – Theo Báo cáo Toàn cầu về Năng lượng tái tạo năm 2011 (Renewables 2011 Global Status Report) mà Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo Thế kỷ XXI (REN21) vừa công bố thì lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn đang tiếp tục phát triển tốt mặc dù cuộc suy thoái kinh tế còn dai dẳng, các nguồn hỗ trợ bị cắt giảm và giá khí tự nhiên vẫn còn thấp.

Báo cáo đã ghi nhận những bước tiến của ngành năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Theo đó, ước tính năm 2010, năng lượng tái tạo đã cung cấp 16% mức tiêu thụ năng lượng và gần 20% tổng lượng điện năng toàn cầu. Công suất tái tạo hiện chiếm khoảng ¼ sản lượng năng lượng toàn thế giới.

“Bỏ lại đằng sau những trở ngại, ngành năng lượng tái tạo vẫn hoạt động bền bỉ. Trước đó, chưa có thời điểm nào số lượng người được tiếp cận năng lượng từ các nguồn tái tạo lại nhiều như bây giờ bởi công suất của các nguồn tái tạo đang tiếp tục tăng lên, giá thành tiếp tục giảm xuống và sự đóng góp của nó cho năng lượng toàn cầu ngày một lớn dần” – Mohamed El-Ashry, Chủ tịch Ủy ban Điều hành REN21, khẳng định.

Nhờ các chương trình khuyến khích của chính phủ và sự giảm giá liên tục của mô-đun quang điện mặt trời (PV) nên sản lượng và các thị trường PV toàn cầu năm vừa qua đã gấp hơn 2 lần năm 2009.

Cũng trong năm 2010, Đức lắp đặt được lượng PV nhiều hơn con số mà cả thế giới năm 2009 đạt được. So với mốc năm 2009, các thị trường PV ở Nhật Bản và Hoa Kỳ hầu như đều tăng gấp đôi.

Xét trên phạm vi toàn cầu, phong điện chính là nguồn bổ sung lớn nhất vào công suất điện năng tái tạo (theo sau là thủy điện và quang điện mặt trời), song đây là lần đầu tiên công suất PV châu Âu tạo ra được lại lớn hơn công suất gió.

Bỏ lại đằng sau những cản trở, theo thời gian, ngành sản xuất năng lượng tái tạo vẫn hoạt động bền bỉ (Ảnh minh họa: Cbcc.org.vn)

Trên thực tế, đằng sau bước tăng trưởng ngoạn mục của các nguồn điện năng tái tạo không gì khác chính là sự “đưa đường” của hệ thống chính sách năng lượng tái tạo.

Đầu năm 2011, có ít nhất 119 quốc gia đã có những chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở cấp quốc gia, nhiều gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm 2005 (chỉ có 55 quốc gia). Đáng lưu ý, hơn một nửa trong số đó lại là các nước đang phát triển.

Hiện tại đang có ít nhất 95 nước ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất năng lượng tái tạo mà phổ biến nhất vẫn là các loại hình thuế ưu đãi.

Trong năm 2010 vừa qua, lượng đầu tư cho các nguồn tái tạo đã đạt mức kỷ lục – 211 tỷ USD, gấp khoảng 1/3 lần tổng lượng đầu tư năm 2009 (160 tỷ USD) và gấp trên 5 lần tổng lượng đầu tư năm 2004.

Riêng khoản tài chính đầu tư vào các công ty năng lượng tái tạo cùng với các dự án nhiên liệu sinh học và phát điện quy mô tiện ích đã tăng lên 143 tỷ USD, lần đầu tiên đánh dấu lượng đầu tư ở các nước đang phát triển vượt qua các nền kinh tế phát triển.

Chỉ riêng Trung Quốc đã thu hút được 48,5 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng lượng đầu tư toàn thế giới năm 2010; không hề thua kém, các nước đang phát triển khác cũng có những bước tiến vượt bậc về chính sách, đầu tư, xu hướng thị trường và sản xuất.

Ngoài châu Á, người ta còn nhận thấy những tiến bộ đáng kể ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh; tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và cận Sahara châu Phi đã có ít nhất 20 nước tạo lập được các thị trường năng lượng sôi động.

“Nhìn chung, trong bối cảnh phần lớn sự gia tăng nhu cầu năng lượng tương lai được dự báo sẽ rơi vào các nước đang phát triển thì mức độ hiện diện ngày càng tăng của các nguồn điện năng tái tạo tại các quốc gia này như báo cáo năm nay đã nhấn mạnh là rất đáng khích lệ”, Mohamed El-Ashry nhấn mạnh.

Một số điểm chính của Báo cáo Toàn cầu về Năng lượng tái tạo năm 2011

– Công suất năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng ¼ sản lượng năng lượng toàn thế giới và cung cấp gần 20% lượng điện năng toàn cầu, chủ yếu từ thủy điện.

– Các nước đang phát triển chiếm hơn một nửa lượng điện năng tái tạo toàn cầu.

– Công suất quang điện mặt trời (PV) ở trên 100 nước đã gia tăng.

– Năm quốc gia đứng đầu về công suất năng lượng tái tạo không sử dụng hydro là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Ấn Độ.

– Tại Hoa Kỳ, các nguồn tái tạo chiếm khoảng 10,9% sản lượng năng lượng nội địa chủ yếu của đất nước này, tăng 5,6% so với năm 2009.

– Năm 2010, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc lắp đặt các tua-bin gió và hệ thống năng lượng mặt trời, đồng thời cũng là nhà sản xuất thủy điện hàng đầu thế giới. Quốc gia này đã đóng góp khoảng 29 GW công suất tái tạo trong tổng sản lượng 252 GW, tăng 13% so với năm 2009. Các nguồn tái tạo chiếm khoảng 26% tổng công suất điện năng lắp đặt của Trung Quốc năm 2010, 18% sản lượng điện và hơn 9% lượng cung năng lượng cuối cùng.

– Brazil sản xuất gần như tất cả số xăng sinh học (ethanol) có nguồn gốc từ mía đường trên thế giới và đang bổ sung thêm thủy điện, sinh khối, các nhà máy phong điện, cũng như hệ thống sưởi bằng năng lượng mặt trời.

– Ở Liên minh Châu Âu (EU), ước tính các nguồn tái tạo chiếm khoảng 41% công suất điện năng lắp đặt mới. Mặc dù sự đóng góp này thấp hơn đáng kể so với công suất lắp đặt mới (trên 60%) của năm 2009, nhưng công suất điện năng tái tạo của EU chưa bao giờ gia tăng nhiều như vậy. EU đã vượt toàn thế giới trong các mục tiêu năm 2010 về phong điện, quang điện mặt trời, nhiệt điện mặt trời tập trung và hệ thống sưởi ấm.

– Các nước Phần Lan, Đức, Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Đài Loan đang nâng các mục tiêu về năng lượng tái tạo, còn Nam Phi, Guatemala và Ấn Độ lại đề xuất những mục tiêu mới.

– Các nước đang phát triển, hiện chiếm quá nửa số quốc gia có các mục tiêu chính sách và chiếm một nửa số quốc gia có các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy những bước tiến của năng lượng tái tạo.