Thêm 914 loài nguy cấp bị liệt vào Sách đỏ IUCN

ThienNhien.Net – Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa công bố danh mục 914 loài nguy cấp bị liệt vào Sách Đỏ; hơn 19.000 loài bị xếp vào một trong ba mức độ: sắp nguy cấp, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp, vượt xa con số 8.219 loài từ năm 2000.

Sở dĩ số loài nguy cấp tăng nhanh trong năm 2010 là do nhiều loài mới được đánh giá lần đầu hoặc thu được thông tin lần đầu tiên hay đơn giản chỉ vì sinh cảnh sống trong tự nhiên của chúng bị suy thoái. Trong khi các nhà khoa học đã mô tả gần 2 triệu loài thì Sách đỏ IUCN chỉ đánh giá khoảng 3% trong số đó, tức tương đương gần 60.000 loài.

Sách đỏ IUCN (tên tiếng Anh là IUCN Red List of Threatened Species, IUCN Red List hay Red Data List) là danh sách về tình trạng bảo tồn và sự đa dạng của các loài động thực vật trên thế giới, được thực hiện và giám sát bởi Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Giám sát Bảo tồn quốc tế (WCMC). Sau một hoặc hai năm, Sách đỏ IUCN lại công bố rộng rãi về tình trạng các loài bị đe dọa dựa trên những tiêu chí được xác định về phân loại học, tình trạng quần thể, xu hướng quần thể, sự phân bố, tình trạng sinh cảnh, mối đe dọa…

Động vật lưỡng cư bị đe dọa nhất

Trong số 914 loài nguy cấp, nhóm động vật lưỡng cư chỉ chiếm số lượng khiêm tốn, khoảng 19 loài. Tuy nhiên, trong số này đã có tới gần một nửa (8 loài) bị liệt vào nhóm cực kỳ nguy cấp, hầu hết đều là các loài sở hữu vẻ đẹp cực kỳ thu hút, trong đó bao gồm cả loài Cóc harlequin màu vàng và cam (Atelopus patazensis) thuộc xứ sở Peru và loài Kỳ nhông lùn (Dendrotriton chujorum) của đất nước Guatemala.

Theo đánh giá của Sách Đỏ, động vật lưỡng cư là một trong những nhóm bị đe dọa nhất trên thế giới, trong đó 41% loài ếch và kỳ nhông trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Hàng loạt các lí do đã được đưa ra nhằm chứng minh cho nhận định trên, trong đó không thể không kể tới các tác động tiêu cực từ con người khiến nhóm động vật này bị mất môi trường sống, hoặc khiến môi trường sống của chúng bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, chúng còn bị ảnh hưởng bởi các sinh vật xâm lấn, cùng loại bệnh dịch chết người như bệnh nấm chytridiomycosis chẳng hạn.

Có tới 93% động vật lưỡng cư trên thế giới đã được Sách Đỏ IUCN đánh giá, tương đương gần 7.000 loài. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây dự đoán, có thể còn tới 3.000 loài lưỡng cư vẫn chưa được các nhà khoa học biết tới.

Bên cạnh thông tin về động vật lưỡng cư, Sách Đỏ IUCN cũng lần đầu tiên tiến hành đánh giá loài bò sát đặc hữu ở đảo New Caledonia thuộc Tây Nam Thái Bình Dương. Mức độ đa dạng sinh học của các khu rừng nơi đây phong phú tới mức đáng kinh ngạc, nhiều loài trong số đó không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong tổng số loài có đủ dữ liệu để xác định và đánh giá tại đây thì đã có tới 67% bị liệt vào mức đe dọa tuyệt chủng.

Đánh giá này tương đối phù hợp với kết quả khảo sát gần đây của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – rằng New Caledonia đang đứng thứ hai trên thế giới về điểm nóng đa dạng sinh học bị đe dọa nhất.

248 loài tôm hùm cũng nằm trong kế hoạch đánh giá của Sách đỏ 2011, nhưng thật không may mắn khi hơn 1/3 số tôm này (khoảng 35%) lại rơi vào nhóm “Thiếu dữ liệu”, điều này đồng nghĩa với việc IUCN không có đủ thông tin loài để xác định được tình trạng thực của chúng.

Dù vẫn bị đe dọa bởi nhiều mối hiểm nguy như nạn săn trộm, hạn hán hay việc chăn thả quá mức… nhưng với lượng “dân số” tương đối ổn định, loài Linh trưởng sừng dài (Oryx leucoryx) vẫn được Sách đỏ 2011 loại khỏi danh sách nguy cấp để trở về nhóm sắp nguy cấp. (Ảnh: Mongabay.com)

Điểm sáng trong Sách Đỏ

Dù xuất hiện nhiều tín hiệu không mấy vui về tình trạng các loài được đánh giá, song những thay đổi được cập nhật năm nay cũng không hoàn toàn ảm đạm. Một điểm sáng có thể nhắc tới trong hoạt động này là sự bứt phá ngoạn mục của loài Linh dương sừng dài (Oryx leucoryx).

Giới bảo tồn tưởng rằng phải nói lời chia buồn với số phận của loài linh dương đặc biệt này trước sự hoành hành của nạn săn bắn. Tuy nhiên, từ cá thể Linh dương sừng dài hoang dã cuối cùng bị săn hụt vào năm 1972, một chương trình bảo tồn đã được thiết lập.

Khi nhân nuôi đạt đến số lượng ổn định, an toàn, loài động vật này đã lần lượt được trả về tự nhiên. Hiện số lượng Linh dương sừng dài trong tự nhiên lên tới 1000 cá thể. Đây là lần đầu tiên một loài từng bị liệt vào nhóm tuyệt chủng trong tự nhiên có thể vươn lên “đứng trong hàng ngũ” nhóm sắp nguy cấp nhờ nỗ lực bảo tồn tuyệt vời của các nhà nghiên cứu.

… và khoảng cách trong đánh giá

Trong khi Sách Đỏ đánh giá tương đối chi tiết và đầy đủ đối với những loài dễ xác định tình trạng thì với những loài khó xác định hoặc thiếu dữ liệu, thông tin, việc đánh giá dừng ở mức khá sơ sài.

Đơn cử như trong tổng số 3% số loài được mô tả trên thế giới, Sách Đỏ đã tiến hành đánh giá toàn bộ (100%) các loài chim và động vật có vú, 93% động vật lưỡng cư nhưng lại không đánh giá đầy đủ hai nhóm động vật có xương sống là bò sát và cá. Chỉ 32% loài bò sát và 29% loài cá được biết trên thế giới được đánh giá.

Khoảng cách đánh giá còn xảy ra đối với các loài động vật không xương sống. Theo đó, chỉ duy nhất 1% các loài động vật này được Sách Đỏ đánh giá, trong đó có 39% các loài san hô và 0,03% loài nhện được biết trên thế giới.

Tuy không bị các nhà nghiên cứu Sách Đỏ bỏ qua nhưng chỉ có hơn 3.000 loài côn trùng, loài có số lượng áp đảo nhất được đánh giá, chiếm tỉ lệ khiêm tốn – 0,3% loài côn trùng được biết từ trước tới nay.

Với các loài thực vật thì mức độ đánh giá có cao hơn, khoảng 5% tổng số loài thực vật trên thế giới. Tuy nhiên, riêng tảo và rêu thì lại được đánh giá không nhiều nếu không muốn nói là rất ít.

“Thiệt thòi” hơn cả là các loài nấm – nhóm ít được đánh giá nhất trong Sách Đỏ, duy chỉ có 1 đại diện của loài này được đánh giá trong tổng số 30.000 loài đã được biết tới.

Có hai lí do để giải thích cho khoảng cách/mức độ đánh giá các loài trong Sách Đỏ IUCN, lí do khách quan là loài càng ít được biết đến thì càng khó đánh giá, và lý do chủ quan là vấn đề tài chính.

Năm ngoái các nhà nghiên cứu cho biết cần có khoảng 60 triệu USD để có thể tăng số lượng các loài được đánh giá hiện nay lên gấp 3 lần. Nguồn tài chính này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá được thêm 35.000 loài động vật có xương sống, 38.000 loài động vật không xương sống, 25.000 loài thực vật, 14.500 loài nấm và các loài khác.

Loài tắc kè Crested Gecko (Rhacodactylus ciliatus) bị liệt vào nhóm sắp nguy cấp vì có vùng phân bố tương đối hẹp, hiện chỉ được tìm thấy ở vùng Grand Terre des Pins và Ile thuộc đảo New Caledonia. Loài này hiện đang bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ, cháy rừng và quá trình chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất nông nghiệp. (Ảnh: Mongabay.com)

Mặc dù 60 triệu USD nghe có vẻ như rất nhiều nhưng thực ra nó chỉ tương đương với hơn 1% nguồn vốn mà nước Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các tập đoàn dầu mỏ.

“Điều quan trọng là với số tiền đó, chúng tôi có thể tiếp tục thúc đẩy các cuộc điều tra về các loài ít được biết đến do thiếu dữ liệu. Chúng tôi không thể xác định nguy cơ tuyệt chủng nếu không được hỗ trợ về mặt tài chính, và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không thể phát triển hay thực hiện hiệu quả các chương trình bảo tồn nhằm ngăn chặn sự biến mất hoàn toàn của các loài trên trái đất” – Jane Smart, Giám đốc Chương trình Loài toàn cầu của IUCN nhấn mạnh.

Sự thiếu kinh phí cũng chính là lí do khiến nhiều công việc của Sách Đỏ hiện nay vẫn đang được thực hiện bởi các tình nguyện viên.

Theo đánh giá hiện nay của Sách Đỏ IUCN, tỷ lệ và tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện cao gấp 100-1000 lần so với tỷ lệ trong tự nhiên được xác định nhờ các hóa thạch. Nhiều nhà khoa học tin rằng, chúng ta đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu trên trái đất – cũng là lần tuyệt chủng đầu tiên mà con người là tác nhân chính. Với việc “tích cực” hủy hoại rừng, con người đang khiến các tác động của biến đổi khí hậu trở nên dữ dội hơn, ô nhiễm gia tăng, động vật hoang dã bị hủy diệt…, và trên tất cả là con người đang dần làm biến dạng bức tranh đa dạng sinh học của thế giới.