Túi nilon thân thiện môi trường: Nhiều lợi ích sao vẫn bị thờ ơ?

ThienNhien.Net – Nhắc đến túi nilon hẳn không ít người biết chúng được làm ra từ những chất khó phân hủy. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, qua đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người.

Để ngăn ngừa ô nhiễm gây ra từ túi nilon, nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi, bao bì thân thiện môi trường đã được triển khai. Song thực tế, đến thời điểm hiện tại ở các khu chợ dân sinh loại túi thân thiện với môi trường gần như vẫn không tiếp cận được với người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Biết hại nhưng vẫn phải dùng

Suốt nhiều năm nay, người tiêu dùng hẳn không xa lạ gì với túi nilon. Sự tiện lợi của loại túi này trong sinh hoạt hàng ngày là điều không thể phủ nhận. Thậm chí, với nhiều bà nội trợ túi nilon được sử dụng “đa tiện ích”. Chúng có thể được dùng để thay thế màng bọc thực phẩm, đựng thuốc… thậm chí là bao bì chứa thức ăn sống, chín. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhẩm tính, nếu trung bình một tháng mỗi gia đình xả ra 60 gram túi nilon, thì tương đương mỗi tháng riêng ở Hà Nội đã chất chồng vài chục tấn loại rác khó phân hủy này.

Trên thị trường Hà Nội, giá túi nilon thường được bán lẻ với giá từ 2.300 – 6.500 đồng/lạng với mẫu mã, kích cỡ khá đa dạng. Tuy nhiên, khi được hỏi chất lượng của các loại túi trên, các đại lý phân phối, thậm chí không ít người tiêu dùng đều tỏ ra không mấy quan tâm. Theo tìm hiểu, túi nilon thường có 2 loại. Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.

Loại thứ hai, thường dùng phổ biến chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Đáng nói, trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì… là những chất nguy hại tiềm ẩn, có thể dẫn đến bệnh ung thư nếu sử dụng.

Trước những tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010…

Đề án là vậy song thực tế ở các khu chợ dân sinh túi nilon vẫn là loại được sử dụng phổ biến. Nghịch lý ở chỗ, người dân đều biết những ảnh hưởng của sản phẩm này đối với môi trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng với họ việc chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì không phải ai cũng làm được.

Chị Hoa – tiểu thương khu vực chợ Hà Đông cho biết: “Hầu hết toàn các bà nội trợ đi chợ sau giờ tan làm, cứ mỗi loại hàng một túi nilon là tiện nhất. Biết là túi nilon có thể không vệ sinh và không thân thiện với môi trường nhưng vì tiện lợi và giá cũng rẻ, đặc biệt là nhu cầu của người mua hàng nên chúng tôi vẫn phải dùng thôi. Kỳ thực cũng chưa ai nói cho chúng tôi biết đâu là túi nilon thường, đâu là túi thân thiện. Chúng tôi là người bán còn không biết được rõ ràng thì người mua có lẽ cũng không mấy ai biết”.

Chưa có thói quen sử dụng vì thiếu túi

Trên thực tế, việc nhân rộng các điển hình tích cực, tuyên truyền thay đổi nhận thức sử dụng túi nilon từ cá nhân đến cả cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, nhằm tránh việc lạm dụng túi nilon, nhiều năm nay ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khai triển thực hành thường niên nhiều chương trình tuyên truyền, mang hiệu quả phổ quát cao như: “Hạn chế dùng túi nilon vì môi trường”; “Hãy dùng túi thân thiện môi trường”… tổ chức các hoạt động như: Đạp xe vì môi trường, đi bộ vì môi trường, đổi những chiếc túi giấy thân thiện với môi trường, phát túi tái sử dụng miễn phí tại hệ thống những siêu thị, chợ, trung tâm thương mại…

Thông qua các hoạt động truyền thông trên, nhiều tổ dân phố, khu dân cư nội thành, các thôn, xóm ngoại thành đã tích cực hưởng ứng. Nhiều địa phương đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lon với tinh thần tự nguyện.

Khách quan nhìn nhận, sự thay đổi ngay thói quen sử dụng túi nilon là việc khó, nhất là khi còn thiếu túi thay thế được làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, sự nhập nhèm, khó phân biệt đâu là túi thân thiện, đâu là nilon thông thường,  ít người dân biết đến các sản phẩm như túi tự hủy sinh học, túi thân thiện môi trường… một phần bởi nhãn mác, phần khác vì việc phổ biến thông tin vẫn chưa tốt cũng là một nguyên nhân. Bởi vậy, để tạo đột phá trong hạn chế sử dụng túi nilon gây hại cho môi trường và sức khỏe con người, việc cần làm trước tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác.