Nỗi niềm Khu bảo tồn voọc mũi hếch (Kì 2)

Kỳ 2: Tịch thu 165 khẩu súng tự chế để bảo vệ voọc

ThienNhien.Net – Bảy năm sau lần phát hiện ra quần thể voọc mũi hếch lớn nhất ở rừng Khau Ca – sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo giới bảo tồn cả trong nước và quốc tế – một khu bảo tồn dành riêng cho voọc mũi hếch đã ra đời, được đặt tên Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Hà Giang.

Chiến công thu giữ 165 khẩu súng tự chế

Ngày nay, ở xã Tùng Bá người ta vẫn chưa quên câu chuyện chính quyền vận động bà con thu nộp súng đã diễn ra tám năm về trước.

Năm 2003, dưới chủ trương chung về siết chặt quản lý súng và các vật liệu nổ, Tùng Bá cùng nhiều xã, huyện khác của tỉnh Hà Giang tích cực mở chiến dịch tuyên truyền, giảng giải cho bà con hiểu về tác hại của việc săn bắn và các hình thức xử phạt theo pháp luật nếu ai đó cố tình xâm phạm đến rừng.

Ông Chủ tịch UBND xã Tùng Bá Phạm Huy Trà hồi tưởng lại: “Bởi gắn bó với tập quán săn bắn nên dạo đó hầu như nhà nào trong xã cũng có súng, thậm chí có hộ có đến ba bốn khẩu súng tự chế các loại. Nhưng khó một cái là làm sao để bà con chịu nghe, thay đổi được cách nghĩ”.

Ngay từ đầu, chính quyền địa phương đã gặp phải sự phản ứng dữ dội. Phần đông hộ dân không muốn giao nộp súng, bởi với họ từ bỏ súng là mất đi công cụ để kiếm cái ăn hằng ngày. Chính quyền xã Tùng Bá đã phải nhiều lần họp bàn, cuối cùng thống nhất rằng không thể nóng vội, cần có thời gian vừa động viên, vừa kiên quyết với bà con.

Đã có hàng chục voọc mũi hếch bị săn, bẫy ở Khau Ca. Ảnh: Lê Khắc Quyết

Làm việc trực tiếp tới từng thôn, từng hộ, sự tận tụy này đã mang lại kết quả. Nhiều nhà đã tự nguyện giao nộp súng cho công an xã, một bộ phận cố tình không tuân thủ thì buộc phải cưỡng chế. Cuối năm ấy, xã tịch thu được cả thảy 165 khẩu súng tự chế.

Ông Đán Văn Viết, Trưởng công an xã Tùng Bá, chia sẻ: “Đợt ấy chúng tôi trường kỳ tuyên truyền đến từng nhà, vừa mang pháp luật của nhà nước ra giải thích lại vừa phải đan xen với tập quán và lối nghĩ của bà con, sau mới thu hồi được bằng ấy súng để niêm phong…”

Tiếng súng kíp tạm ngưng, mối nguy hiểm đối với cả con người lẫn voọc mũi hếch đều giảm bớt. Những nhà chức trách ít ra cũng đã có thể thở ra nhẹ nhõm sau những ngày dài cố gắng.

Khoanh nhà cho voọc

Thế giới đã công nhận loài voọc mũi hếch ở Việt Nam là duy nhất, không có ở bất cứ nơi nào khác, đồng thời cũng đã cảnh báo rằng chúng sắp tuyệt chủng đến nơi từ nhiều năm nay. Biết bao dự án, tiền của đổ vào nghiên cứu và bảo vệ ở những nơi người ta phát hiện dấu vết của chúng. Nhưng, ngay tại nơi phát hiện ra voọc mũi hếch nhiều nhất, nơi có nhiều cơ hội để giữ gìn và phát triển đàn voọc đông đúc trở lại nhất, cũng phải tới bảy năm sau mới thành lập chính thức một  khu bảo tồn cho voọc.

Rừng nguyên sinh ở Khau Ca đã được qui hoạch thành "ngôi nhà chung" của voọc mũi hếch.

Tuy muộn song đó là một thành quả đáng kể của địa phương, của các nhà bảo tồn, trong đó phải kể đến các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Quốc tế (FFI). Họ đã dành nhiều năm trời miệt mài lội khắp cánh rừng Khau Ca, động viên, khuyến khích bà con và chính quyền cùng chung tay hợp sức bảo vệ đàn voọc.

Từ cánh rừng già Khau Ca nay được nâng lên thành khu bảo tồn, vị thế và danh tiếng cũng có khác. Về giấy tờ, rừng đã được “niêm phong”, có hẳn ban quản lý chăm lo cho sự sống còn của rừng.

Song, hỏi kỹ ra thì mới biết Ban quản lý khu bảo tồn có chỉ có hai vị một trưởng, một phó thì cả hai vị ấy đều phải kiêm nhiệm những công việc quản lý về rừng khác nữa ở trên tỉnh, xã. Khu bảo tồn lại không có đội ngũ kiểm lâm chuyên trách.

Giữa bối cảnh bà con sinh sống trong và ven khu bảo tồn còn nghèo đói, thói quen săn bắt thú, khai thác gỗ còn ăn sâu thì việc đột ngột “đóng cửa” rừng, lại không có đội ngũ tuần tra bảo vệ thường xuyên, việc quản lý rừng bí bách chẳng khác nào múa gậy trong bị.

May rằng có sự tiếp sức của dự án, khu bảo tồn đã thành lập được tổ tuần tra rừng. Tổ hiện có 9 thành viên, đều là người dân địa phương thông thuộc địa bàn và hiểu bà con. Trong tổ có anh Đán Văn Khoan, trước từng là thợ chuyên săn voọc nay đã “quy y” đi bảo vệ nhà cho voọc, theo dõi từng đường đi nước bước của đàn voọc (chúng tôi đã có dịp kể với bạn đọc ở kỳ trước).

Anh Khoan kể trong một lần đi rừng, anh may mắn gặp được “đại gia đình” voọc mũi hếch khi chúng di chuyển qua một vách đá. Anh đếm được tất cả 92 con, trong đó có 6 voọc con khoảng vài tháng đến một năm tuổi.

Từ kinh nghiệm tuần rừng, anh em trong tổ đã chủ động lập “vành đai nóng” tuần tra bảo vệ voọc. “Vành đai nóng” được phát thành đường đi và đánh mốc bằng sơn ở các cao điểm, vị trí voọc hay xuất hiện lên gốc cây. Tại mỗi mốc cách nhau khoảng 500 – 800 mét các anh đặt một hộp thông tin. Các hộp này để chứa các tờ ghi chép nhanh về voọc trong mỗi chuyến tuần tra, sau này được tổng hợp thành báo cáo và đề xuất.

Anh Khoan tâm sự làm công việc bảo tồn là lao vào nơi khó khăn vất vả. Thú trong rừng nó cũng như chim trên trời, cá dưới sông, chúng sống tự do, dẫu cố gắng cũng chỉ ngăn được một phần người dân đánh bẫy, săn bắn, chứ không thể khoanh được vòng tròn vô hình ngăn không cho voọc ra ngoài.

Vụ tịch thu súng đã làm ráo riết vậy mà vẫn không thể giác ngộ được toàn bộ bà con. Trong những lần Ủy ban xã và Công an phối hợp tuyên truyền, kêu gọi giao nộp súng sau này, một số hộ vin vào truyền thống xin cam kết không dùng nhưng vẫn treo súng trong nhà, một vài hộ thì né không ký cam kết. Năm 2010, trong khu bảo tồn vẫn xảy ra một vụ bắn voọc bị thương. Ở thôn Nặm Rịa vẫn có người dùng bẫy lừa voọc.

Tâm sự với chúng tôi, ông Viết bảo rằng ngoài việc Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền tới từng hộ dân, Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân được phát triển kinh tế để giảm phụ thuộc vào rừng. Bản thân họ cũng cần phải được hưởng lợi từ rừng theo tập quán truyền thống từ ngàn đời nay.