Điều tra tổng thể quặng bauxite và laterit khu vực miền Nam

Ảnh minh họa. Chinhphu.vn

ThienNhien.Net – Việc điều tra sẽ tiến hành trên diện tích hơn 14.000 km2 tại 7 vùng, phân bố ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đồng Nai, dự kiến kéo dài từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2015.

Ngày 6/5, Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxite, quặng laterit miền Nam Việt Nam” để các chuyên gia cùng góp ý.

Theo đó, đề án xác định phát hiện và khoanh định các diện tích có quặng bauxite, quặng sắt letarit trong vỏ phong hóa bazan; dự tính và dự báo tài nguyên của các loại khoáng sản này đồng thời nghiên cứu mẫu công nghệ thử nghiệm luyện gang từ quặng sắt laterit làm cơ sở đánh giá khả năng thu hồi quặng và hiệu quả kinh tế.

Dự án sẽ điều tra trên diện tích hơn 14.000 km2 tại 7 vùng, phân bố ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đồng Nai, thời gian dự kiến từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2015.

Để triển khai nhiệm vụ này, các phương pháp điều tra sẽ được sử dụng như trắc địa, điều tra địa chất khoáng sản, phương pháp địa vật lý, khoan, khai đào, lấy mẫu phân tích…

Hiện, mới chỉ có hơn 2.488 km2 được thăm dò theo quy hoạch. Phần diện tích còn lại mới chỉ được điều tra sơ lược và dự báo tài nguyên.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đều cho rằng, đề án điều tra này rất cần thiết để khoanh định các diện tích có quặng bauxite và quặng sắt trong vỏ phong hóa laterit, đánh giá tiềm năng của chúng làm cơ sở để quy hoạch phát triển bền vững ngành công nghiệp luyện kim, chế biến nguyên liệu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả.

Theo Cục địa chất và Khoáng sản, cùng với bauxite, laterit tại miền Nam Việt Nam đã được nghiên cứu kỹ và đang chuẩn bị đưa vào chế biến để sản xuất alumina.

Do vậy, trong đề án này không nghiên cứu các đặc điểm công nghệ của quặng bauxite. Nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào thành phần độ hạt, thành phần khoáng vật, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình làm giàu và chế biến quặng, đặc điểm công nghệ làm giàu, xây dựng quy trình tuyển rửa, làm giàu và các phương pháp tuyển khác nhau nhằm thu hồi quặng tinh sắt đáp ứng yêu cầu luyện gang.

Kết quả điều tra sẽ cung cấp bức tranh tổng thể về tài nguyên quặng bauxite và quặng sắt ở Việt Nam; là cơ sở khoa học tin cậy để lập các đề án thăm dò, khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội  các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.

Dự án có tổng giá trị đầu tư là 408 tỷ đồng.