Hà Tĩnh: Giải pháp nào cho thực trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp?

ThienNhien.Net – Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 18 cụm công nghiệp, khu kinh tế nhưng do hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý chất thải còn yếu kém nên vấn đề bảo vệ môi trường ở những nơi này đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý.

Nhiều hạn chế trong xử lý chất thải

Theo tìm hiểu, ô nhiễm môi trường tại các Cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh hiện nay, chủ yếu là từ môi trường nước, không khí và từ chất thải rắn đang ở mức báo động. Cụ thể, ô nhiễm không khí tại một số cụm công nghiệp chủ yếu là bụi, và có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn. Về tình trạng này, người dân sinh sống ở những cụm công nghiệp phản ánh họ thường ngửi thấy những mùi đặc trưng của những sản phẩm ở những cơ sở sản xuất phát tán ra ngoài.

Người dân sinh sống tại khu vực Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thái Yên, huyện Đức Thọ phản ánh, môi trường nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Tìm hiểu hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ gây ô nhiễm môi trường tại xã Thái Yên, dễ nhận thấy là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nơi đây đều nằm ven đường, xen lẫn với khu dân cư đông đúc. Các gia đình thường tận dụng nhà ở làm nơi chế biến gỗ, kiêm luôn điểm kinh doanh giao dịch với khách hàng. Trong quy trình sản xuất, nhiều loại hóa chất khi sử dụng để sơn gỗ đã  trực tiếp thải ra khu vực dân sinh.

Vấn đề rác thải rắn, chỉ tính riêng tại khu vực Khu kinh tế Vũng Áng (diện tích rộng 22.781ha bao gồm 9 xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh, thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc và phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hưng và Thị trấn Kỳ Anh), ước tính khoảng 50% chất thải thải rắn của toàn huyện Kỳ Anh đi ra từ Khu kinh tế Vũng Áng, hầu hết các xã đều bị rác thải “tấn công” gây ô nhiễm nặng, trầm trọng nhất là hành lang QL1A qua xã Kỳ Liên đang bị biến thành bãi rác công cộng. Không ít người dân bức xúc và thắc mắc: Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà một khu kinh tế có quy mô và tầm cỡ như cảng Vũng Áng vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn. Hệ quả là ngay hành lang đường Quốc lộ 1A đi qua, nơi tập trung đông dân cư sinh sống đang phải nhường bớt chỗ cho những đống rác bốc mùi xú uế, hôi thối; ruồi muỗi sinh sôi và phát tán.

Rác thải rắn tại Khu kinh tế Vũng Áng đổ tràn lan ra đường QL1A. (Ảnh: Đức Cảnh)
Rác thải rắn tại Khu kinh tế Vũng Áng đổ tràn lan ra đường QL1A. (Ảnh: Đức Cảnh)

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh, tất cả các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh hiện nay chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, mặc dù nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động cả chục năm nay. Các doanh nghiệp, xí nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp chỉ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ vận chuyển và xử lý. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng gần 50% trong tổng số hàng ngàn mét khối rác ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cụm công nghiệp Phù Việt nằm ở xã Phù Việt, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp đầu tư và đi vào hoạt động với số vốn dự án đăng ký 419 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu hệ thống thoát nước… Không có hệ thống xử lý nước thải nên các doanh nghiệp đều xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Và, đây cung là thực trạng chung đang diễn ra tại nhiều cụm công nghiệp khác ở Hà Tĩnh như: CCN Bắc Thạch Quý, CCN Nam Hồng, CCN Thái Yên, CCN Bắc Cẩm Xuyên…

Rất nhiều Cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh trực tiếp xả thải ra môi trường không qua xử lý. (Ảnh: Đức Cảnh)
Rất nhiều Cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh trực tiếp xả thải ra môi trường không qua xử lý. (Ảnh: Đức Cảnh)

Một vấn đề dễ nhận thấy nữa là với mục tiêu khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa của Hà Tĩnh trong những năm gần đây, các ngành nghề sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang có những dịch chuyển nhất định thì số lượng chất thải cũng thay đổi theo. Rất nhiều chất thải là hóa chất, chất độc hại đã được tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi trong khi quy trình xử lý chất thải vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này đồng nghĩa với việc những hóa chất mới này hầu như không được xử lý hoặc sau khi xử lý, chúng vẫn giữ nguyên yếu tố độc hại và việc thải ra môi trường là vô cùng nguy hiêm.

Cần có giải pháp đầu tư đồng bộ hạ tầng

Tính đến tháng 3/2015, Hà Tĩnh có 18 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó 14 cụm công nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư hạ tầng, 6 cụm công nghiệp đã có báo cáo ĐTM hoặc đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng ở các cụm công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, gây bức xúc cho người dân tại các địa phương.

Ông Đặng Bá Lục- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh. (Ảnh: Đức Cảnh)
Ông Đặng Bá Lục – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh. (Ảnh: Đức Cảnh)

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các cụm công nghiệp, ông Đặng Bá Lục – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, xử lý các nguồn chất thải tại các khu công nghiệp cũng như cụm khu công nghiệp. Hơn nữa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại thân thiện môi trường trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt chính sách phát triển bền vững…”.

Ngoài ra, “cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom xử lý chất thải, có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đặc biệt quan trọng, hạ tầng phải được đầu tư phát triển đông bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển gắn với bảo vệ môi trường”, ông Đặng Bá Lục nhấn mạnh.

Được biết, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hiện nay tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh chưa đảm bảo, chính vì vậy việc đầu tư phát triển hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, khu xử lý chất thải rắn tập trung, nhà máy xử lý nước thải tập trung hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCC, CCN, KKT.