Lời giải nào cho bài toán bảo tồn cây thuốc? (Kỳ cuối)

Kỳ cuối: Cần có nhiều “thần y” dân tộc

Cần có thêm nhiều "thần y" như bà Hoàng Thị Than

ThienNhien.Net – Đỉnh núi Khau Rịa quanh năm mây vật gió vờn, ẩn chứa dưới đỉnh núi hùng vỹ là cả một “kho” thuốc nam. Kho thuốc ấy từ lâu đã được một vị “thần y” dân tộc thường xuyên khai thác đem về chữa bệnh cứu người. Người được mệnh danh là “thần y” ấy là bà Hoàng Thị Than, 78 tuổi, dân tộc Tày (bản Rịa – Nghĩa Đô – Bảo Yên – Lào Cai).  Bà hành nghề bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người nổi tiếng, được nhiều người biết đến với tên gọi “thần y” Than.

“Thần y” phố núi

Cách trung tâm xã Nghĩa Đô (Bảo Yên – Lào Cai) chưa đầy 1 km, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Than trong những ngày đầu hè, dưới cái nóng như lửa đang thiêu đốt của tiết trời vùng cao Tây Bắc. Ngồi trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi của bà đâu đâu cũng nghe mùi nồng nặc từ những tấm bạt phơi thuốc trong nhà.

Bà Than năm nay đã bước sang tuổi 78, cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi dưỡng già. Vậy mà, cứ ngày qua ngày bà lại tay dao, tay thuổng trèo đèo, lội suối, vào rừng sâu để tìm cây thuốc về chữa bệnh cho dân làng. Nhắc đến bà không ai ở mảnh đất xã Nghĩa Đô giàu truyền thống văn hóa này lại không biết, mọi người đều ngưỡng mộ coi bà như một vị “thần y” với cái tâm đức độ và tấm lòng từ mẫu của người thầy thuốc dân tộc.

Quờ tay đảo đống thuốc giữa nhà, bà Than trò chuyện với chúng tôi bằng cái vẻ lạc quan tin tưởng vào tay nghề của mình: “Làm nghề này vất vả lắm cháu ạ, nhưng lại vui vì “cứu một người hơn xây bảy toà tháp” mà. Cộng đồng người Tày Nghĩa Đô từ lâu đã biết dùng lá rừng để làm thuốc chữa bệnh. Do vậy, nhà nào ở Nghĩa Đô cũng biết vài thứ thuốc chữa bệnh thông thường đến những bệnh nan y. Tùy vào từng bệnh mà lấy ngay một vài loại lá cây, lá cỏ, rễ hoặc quả về dùng, rất hiệu nghiệm. Người Tày chúng tôi có nhiều bài thuốc cổ truyền rất đơn giản mà lại công hiệu. Ví dụ, trẻ con thường hay đau bụng đầy hơi, sốt nóng vào ban đêm, chỉ cần 3 hột quả gấc, một ít hột bí đao giã nát gói vào giẻ sạch xoa lên chỗ đau vài lần sẽ khỏi…”

Hầu hết những bài thuốc của "thần y" Than đều là cây cỏ trong rừng.

Tuy những bài thuốc này người Tày ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng để chữa khỏi bệnh, vì nếu dùng không đúng cách hoặc không đúng bệnh sẽ làm cho người bệnh đau hơn, bệnh tình nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp có thể dẫn tới tử vong.

Bà Than còn nhớ trường hợp của chị Nông Thị Pén, ở xã Vĩnh Yên bị ngộ độc nấm, gia đình anh dùng cách giải độc thông thường của người Tày nhưng không khỏi, trái lại càng làm cho chất độc trong người chị phát tán nhanh hơn. Gia đình đưa chị đến cứu chữa, bằng bài thuốc gia truyền của mình bà Than đã dùng nhiều loại lá cây dại dể giải độc cho chị thành công. Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn Toàn ở bản Đáp bị rắn độc cắn, bà chỉ cần vài loại lá cây đã cứu sống được anh. Đó chỉ là vài ba trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp đã được “thần y” Than đưa từ “cõi chết trở về”.

Bảo tồn cây thuốc và truyền nghề cho con cháu

Đã hơn 40 năm làm nghề thuốc nam chữa bệnh cứu người, bà Than đã rút ra dược nhiều kinh nghiệm trong quá trình hành nghề. Tuy vậy, hiện nay việc tìm và hái thuốc gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thuốc trong rừng ngày một ít, trước kia cây thuốc có ở khu vực gần nhà, nay do rừng bị chặt phá nhiều nên “những cây thuốc cũng biến dần theo mẹ rừng”.

Không biết dùng chữ nghĩa nào có thể tả hết những gian truân mà bà Than đã gặp để tìm được cây thuốc, từ trèo đèo, lội suối đến băng rừng. Có những vị thuốc để tìm được bà phải đi bộ gần 20 km đường rừng. Đến nay tuổi đã cao việc đi lại bình thường đã khó, lên rừng hái thuốc còn khó gấp trăm lần.

Nhận thấy cây thuốc trong rừng ngày càng cạn kiệt, mỗi lần bà Than vào rừng hái thuốc thấy loài cây nào mọc nhiều bà đều nhổ lấy một nhánh nhỏ về trồng, loại nào giâm được cành là bà mang về giâm. Cứ thế, bao năm qua khắp xung quanh nhà, vườn tược, bờ ao đâu đâu cũng là cây thuốc. Nhiều thang thuốc khi cần đến bà chẳng phải vào rừng hái nữa. Bà Than vui mừng nói: “Bây giờ nhà mình nhiều cây thuốc rồi, không sợ mất bài thuốc nào nữa, cứ cần cây nào trong bài thuốc nào là ra vườn, chỉ những cây sống ở tự nhiên mới cần vào rừng lấy. Nhưng cái khó khăn nhất với tôi lúc này là truyền được hết các bài thuốc cho con, để sau này tôi không còn trên đời này nữa, sẽ có người chữa bệnh cho dân làng”.

May mắn cho bà là giờ bà đã có cháu ngoại là anh Hoàng Văn Hậu mong muốn đi theo nghề gia truyền. Tuy mới 22 tuổi, nhưng anh Hậu đã nhận biết được hết tất cả các vị thuốc chữa bệnh của bà ngoại. Giờ anh chỉ chờ đến lúc chính thức trở thành “truyền nhân” là có thể hành nghề.

Nghề thầy thuốc cũng như bao nghề khác đều có bí mật và cách làm riêng. “Đối với nghề thầy thuốc phải giữ bí mật tuyệt đối với người khác trừ trường hợp người được chọn để truyền lại nghề”, bà Than cho biết như vậy. Theo bà Than thì người thầy thuốc không được nói cho người khác biết tên cây thuốc, chữa bệnh gì để giữ lại nghề gia truyền của mình thì chữa bệnh mới hiệu nghiệm. Ngoài ra, cũng phải giữ kín các loại thuốc phụ, liều lượng và cách pha trộn. Do vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dù có biết một số loại cây để chữa bệnh, khi tự vào rừng kiếm thuốc cũng không có hiệu quả.

Tuy tuổi đã cao, nhưng khi vào rừng hái thuốc bà Than không bao giờ để ai đi cùng, chỉ đi một mình. “Lúc nào không đi được nữa lúc đó mời truyền lại cho con, cháu”, bà Than nói khi tay vẫn cầm dao băm thoăn thoắt những bó cây thuốc. Theo quan điểm của người hành nghề thuốc nam như bà, nếu cho người khác nhìn thấy mình khi đang hái thuốc thì số thuốc hôm đó coi như bỏ không, nếu cố tình sử dụng thì sẽ không có hiệu quả và sẽ không gặp may mắn về sau.

Người thầy thuốc phải tin tưởng tuyệt đối vào khả năng và hiệu lực của cây thuốc mà mình đã chọn để hái, khi hái được thuốc về đến nhà sẽ phải tự pha chế, gói sẵn vào một loại lá dong, đúng hẹn người nhà bệnh nhân đến nhận thuốc lúc đó người bốc thuốc mới hướng dẫn cụ thể cách dùng thuốc cho người nhà bệnh nhân biết.

Một trong rất nhiều cây thuốc quý được "thần y" Than mang về trồng trong vườn nhà, được bà chăm sóc nên phát triển rất tốt.

Cái việc truyền nghề trong nghề thuốc cũng rất đặc biệt, theo như tâm sự của bà Than: “Sau này khi bà muốn truyền nghề này cho ai thì phải chờ đến đúng vào ngày mùng 2 – 3 tết, bà sẽ dẫn người đó vào vườn hoặc rừng nơi có cây thuốc, để hướng dẫn cách hái thuốc và cách chữa bệnh. Người được truyền nghề phải từ 30 tuổi trở lên, tuổi đang sung sức. Người cha làm nghề thuốc thì trực tiếp truyền nghề cho con trai ở với mình, người mẹ thì truyền nghề cho con dâu ở cùng. Còn nếu không có con trai mà chỉ có con gái thì chọn người ở rể để truyền nghề.

Đến nay ước mơ lớn nhất của bà Than là có thể tiếp tục chữa bệnh cho mọi người và cần một truyền nhân chí nghĩa để có thể tiếp tục nghề thuốc nam gia truyền.