Rừng Điện Biên bị “cạo trọc”: Những cánh rừng “chảy máu”

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, những cánh rừng ở tỉnh Điện Biên liên tục bị tàn phá. Nói về việc này, nhiều người chua xót thừa nhận rằng, rừng Điện Biên đã bị “cạo trọc”…

Với trên 72.000ha rừng, huyện Mường Nhé được xem là nơi có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Nhưng từ năm 2013 đến nay, diện tích rừng của Mường Nhé đang dần bị thu hẹp nếu không muốn nói là đã mất trắng.

Với 42.000ha rừng được Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé quản lý, hiện đã có trên 474ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị tàn phá. Ở nhiều xã như Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé hầu như đất rừng đã… biến mất.

Trước đây, hơn 200ha rừng của bản Nà Pán, xã Mường Nhé có nhiều cây gỗ lớn trên 20 năm tuổi hiên ngang trước thiên nhiên, tạo ra sự hùng vĩ của núi rừng. Nhưng cho đến nay chúng đã không còn nữa. Chỉ sau một thời gian ngắn 147ha rừng bỗng bị “cạo trọc”.

Hầu hết các cánh rừng già, rừng đầu nguồn tại tỉnh Điện Biên đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Hầu hết các cánh rừng già, rừng đầu nguồn tại tỉnh Điện Biên đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Không riêng rừng Nà Pán, trên 285ha rừng già tại bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn giờ đây cũng thành những nương trọc. Chính quyền địa phương đã phát hiện nhiều vụ phá rừng, nhưng không thể ngăn chặn.

Hình thức phá rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi. Họ đi thành từng nhóm đông người, cắt cử người cảnh giới, sử dụng cưa xăng để phá. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ và gây thương tích cho lực lượng tuần tra.

Dọc theo dòng suối Huổi Lực của bản Pá Trả, xã Mường Pồn của huyện Điện Biên, những thân gỗ lớn cũng đã bị hạ gục, phân chia thành những khúc gỗ nằm ngổn ngang.

Những cánh rừng già trở thành những đại công trường khai thác gỗ là một thực trạng không mới ở tỉnh Điện Biên.

Những con dốc cao ngất, những con đường vòng vèo uốn lượn lưng chừng những dãy núi với độ cao trên 1000 m so với mặt nước biển không thể trở thành “rào cản” đối với “lâm tặc”.

Tại những cánh rừng, những thân gỗ to nhỏ khác nhau nằm ngổn ngang, chu vi mỗi gốc cây áng chừng 4m. Cách đoạn người ta lại nhìn thấy những thân cây như thế bị “xẻ thịt”.

Những cây gỗ lớn hàng trăm tuổi bị "khai tử" và chế biến thành thành phẩm ngay tại rừng...
Những cây gỗ lớn hàng trăm tuổi bị “khai tử” và chế biến thành thành phẩm ngay tại rừng…

Ở rừng Khẩu Cắm, xã Mường Phăng của huyện Điện Biên, dấu tích mà lâm tặc để lại vẫn còn hiện hữu. Những gốc cây có chu vi chừng 25 -40cm trơ trọi, với những vết cắt gọn lỏn mà xắc lẹm.

Những gốc cây Chò Nâu, Tô Hạp, Muồn trắng, Trẩu rừng… có tuổi đời cả trăm năm chỉ còn lại những gốc lớn bị cắt cụt ngủn với những vết mùn cưa đắp quanh thật thê thảm.

Tại tiểu khu 19, bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé, để tiện cho việc phá rừng làm nương, nhiều hộ dân bản Phứ Ma còn ngang nhiên dựng lán trái phép tại khu vực rừng giáp ranh.

Như vậy, với việc “chung tay” phá rừng của cả lâm tặc và người dân, hiện nay những cánh rừng của Điện Biên đã trở thành những cánh rừng trọc.

Tình trạng phá rừng làm nương, khai thác gỗ trái phép vẫn xảy ra phổ biến và trở thành… chuyện thường ngày. Các đối tượng cứ ngang nhiên phá rừng, mặc cho những thân cây cổ thụ, những cánh rừng già biến mất.

Ngay cả khu rừng đầu nguồn suối Nậm Khẩu Hú (thuộc khoảnh 9, tiểu khu 686) thuộc địa bàn xã Huổi Un, xã Mường Pồn; nơi giáo ranh với 3 xã: Mường Pồn, Mường Nhạn, Nà Tấu (huyện Điện Biên) – nơi chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng hơn 30km cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Những cây gỗ lớn có đường kính từ 60-110cm, có chiều dài khoảng gần 20m cũng đã bị đốn hạ.

Với sự “tấn công” ồ ạt, những cánh rừng già với những thân gỗ lớn giờ đây đã trở thành những bãi rừng tan hoang. Rừng đầu nguồn tại Điện Biên vốn là những khu rừng góp phần quan trọng trong việc giữ và điều hòa mực nước tại các con suối. Nhưng với việc tàn phá liên tục, những cánh rừng đầu nguồn đang bị khai tử, có nguy cơ mất trắng trong tương lai gần.

(Còn nữa)