Nam Định quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung

ThienNhien.Net – Tỉnh Nam Định vừa có chỉ thị về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2011. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Hiện nay, tại tỉnh Nam Định, việc phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại còn chậm, quy mô nhỏ và thiếu quy hoạch. Vì vậy, đẩy mạnh việc quy hoạch vùng chăn nuôi trong thời gian tới sẽ khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của vật nuôi trong từng vùng sinh thái của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các mô hình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao cho người dân; tăng cường dự báo tình hình phát triển chăn nuôi và khả năng biến động của giá cả thị trường về giống, thức ăn chăn nuôi, khả năng tiêu thụ và giá các loại sản phẩm để giúp người chăn nuôi chủ động trong sản xuất và có kế hoạch cụ thể để nhân ra diện rộng.

Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tỉnh giao chỉ tiêu số lượng gia súc, gia cầm bắt buộc phải tiêm phòng cho từng xã, phường, thị trấn. Việc tiêm phòng năm nay sẽ thực hiện vào vụ xuân (tháng 3, 4) và vụ thu (tháng 9, 10), ngoài ra còn thực hiện tiêm phòng bổ sung hàng tháng.

Đối với các cơ sở sản sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi sẽ thực hiện việc bình tuyển, đánh giá chất lượng đực giống nhằm loại thải kịp thời những đực giống không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện tại, tỉnh yêu cầu việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải ở các địa phương trong tỉnh phải có cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể để kiểm tra, đôn đốc các địa phương này thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 644 trang trại đạt giá trị sản lượng trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 185 trang trại đạt tiêu chí về quy mô theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh năm 2010 tăng 6,1% so với năm 2009 và chiếm 37,2% giá trị sản xuất nông nghiệp.