Nước sốt cà chua có là gia vị hoàn hảo?

ThienNhien.Net – Hương vị tuyệt vời của loại gia vị màu đỏ cộng với tính tiện lợi trong sử dụng khiến nước sốt cà chua dần trở thành sự lựa chọn đặc biệt trong bữa ăn của hàng triệu gia đình, hàng triệu cửa hàng ăn nhanh trên toàn thế giới. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều điều để nói về loại gia vị tưởng chừng như đã hoàn hảo này, dưới góc nhìn của cựu Biên tập viên Tạp chí Ecologist Pat Thomas.

Theo Pat Thomas, người Anh thường có sở thích dùng một chút nước sốt trong các bữa ăn, đặc biệt là khi kết hợp chúng với món khoai tây chiên. Đó có lẽ cũng là lí do chính khiến loại nước sốt màu đỏ đạt được tốc độ tăng trưởng 5% mỗi năm tại Anh và ước đạt khoảng 3,3 tỉ USD trên toàn thế giới vào năm 2015. Mức tăng trưởng sẽ còn được thúc đẩy bởi sự thay đổi thói quen trong cách ăn uống và ngày càng có nhiều các quốc gia đang phát triển chuộng lối sống cũng như chế độ ăn uống của phương Tây.

Chứa quá nhiều đường và muối

Trong tất cả các nguyên liệu tạo thành nước sốt cà chua, muối và đường là hai thành phần bị chú ý hơn cả. Pat Thomas khẳng định, nếu dựa theo tiêu chuẩn phân loại thực phẩm của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) thì loại gia vị màu đỏ này thuộc nhóm thực phẩm đặc biệt nhiều muối bởi mỗi chai nước sốt chứa tới 3,1g muối (1,2 natri) trên 100g, trong khi một loại thực phẩm được xem là nhiều muối cũng chỉ có 1,25g muối (0,5 g natri) trên 100g.

Việc hấp thụ muối quá nhiều được cho là có liên quan trực tiếp đến một số căn bệnh phổ biến như cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Vì vậy, theo khuyến cáo của FSA, hàm lượng muối trung bình trong tất cả các thương hiệu nước sốt cà chua chỉ nên dừng ở mức 1.83 g muối (0,73 g natri) trên 100g.

Không chỉ chứa nhiều muối, loại gia vị màu đỏ này còn bị cảnh báo về việc sử dụng quá nhiều đường trong khâu chế biến. Lượng đường chứa trong nước sốt lên tới 23,7g/ 100g so với loại thực phẩm nhiều đường chỉ là 10g/100g.

Thiếu minh bạch trong quy trình chế biến

Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, quy trình chế biến nước sốt cà chua cũng được cho là gây ra không ít tác động tiêu cực cho môi trường. Dù vậy, rất ít báo cáo đề cập đến hệ lụy này.

Duy nhất một báo cáo phân tích được Viện Thực phẩm và Công nghệ sinh học Thụy Điển (SIFB) thực hiện từ năm 1998, xem xét đến một số vấn đề vĩ mô như sự ấm lên toàn cầu, suy giảm tầng ozon, axit hóa, hiện tượng phú dưỡng, độc tính trên người và độc học sinh thái…

Pat Thomas cho biết, sản phẩm được SIFB lựa chọn trong bản phân tích là một trong những thương hiệu nước sốt cà chua phổ biến nhất đang được bày bán tại Thụy Điển. Kết quả cho thấy, nhiều khía cạnh trong quá trình sản xuất, từ khâu chế biến đến khâu đóng gói sơ cấp và thứ cấp đã bị bỏ qua dù đây mới là điểm mấu chốt gây ra các tác động môi trường.

Theo báo cáo của SIFB, tất cả các thành phần, nguyên liệu làm nước sốt cà chua từ đường, giấm, gia vị, muối tới túi vô trùng, nắp chai, hộp nhựa… đều được nhập từ nhiều quốc gia khác nhau trước khi vận chuyển sang Thụy Điển để đóng gói hoàn chỉnh.

Trong khi nguồn gốc các thành phần, nguyên liệu tạo nên nước sốt cà chua – vốn không là những vấn đề lớn trong câu chuyện thực của loại gia vị màu đỏ được đề cập khá kĩ thì nhiều vấn đề nằm trong chuỗi chế biến và cung ứng lại không được báo cáo phản ánh, bao gồm nguồn tư liệu sản xuất, quá trình sản xuất axit citric, sản xuất chai nhựa, phân phối sản phẩm, các thành phần tạo chất kết dính, nguyên liệu sản xuất túi vô trùng, sự rò rỉ chất làm lạnh…

Đặc biệt, khi xem xét ở khía cạnh trồng trọt, báo cáo cũng không đề cập đến quá trình đồng hóa CO2, sự thất thoát các chất dinh dưỡng, sự phát thải khí amoniac, oxit nitơ từ các cánh đồng, đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu.

Dù vậy, các kết quả được thể hiện trong báo cáo phân tích về mức độ sử dụng năng lượng và tỉ lệ phát thải các- bon (dựa trên 6 hoạt động lớn: trồng trọt, chế biến, đóng gói, vận chuyển, mua bán và sử dụng) vẫn khá khả quan. Lượng CO2 tính trên mỗi kilogam nước sốt chỉ xấp xỉ 1,3g, một con số không đáng kể. Riêng hoạt động sản xuất, vận chuyển và bảo quản nước sốt thì tiêu hao lượng năng lượng tương đối lớn.

Từ đó, Pat Thomas đặt vấn đề, trong khi nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt thì liệu chúng ta có nên tiếp tục đầu tư cho quá trình chế biến các loại thực phẩm tốn nhiều năng lượng nhưng có giá trị dinh dưỡng thấp này?