Một năm cúm gia cầm trở lại

ThienNhien.Net – Sau hơn hai năm khống chế thành công cúm gia cầm, từ giữa năm 2006, cúm gia cầm tái phát tại một số tỉnh ĐBSCL. Những thông tin được tổng hợp dưới đây sẽ giúp độc giả theo dõi rõ hơn diễn biến, tình hình cụ thể sự tái phát của cúm gia cầm ở Việt Nam.

Sau hơn hai năm khống chế thành công cúm gia cầm, từ giữa năm 2006, cúm gia cầm tái phát tại một số tỉnh ĐBSCL. Những thông tin được tổng hợp dưới đây sẽ giúp độc giả theo dõi rõ hơn diễn biến, tình hình cụ thể sự tái phát của cúm gia cầm ở Việt Nam.

Trong năm 2006, cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại một số nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia…. Việc tìm ra thuốc chữa đối với cúm A vẫn là một bài toán khó với các nhà khoa học châu Á, trên thế giới. Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm tái phát của cúm gia cầm.

Bắt đầu

Ngay từ đầu năm 2006, Cục Y tế đã có những dự báo về tình hình tái phát cúm gia cầm tại Việt Nam. Theo đây, cúm gia cầm đang có nguy cơ quay trở lại. Tuy nhiên, tới giữa năm 2006, Việt Nam vẫn chưa phát hiện ra một trường hợp mắc cúm A/H5N1.

Điểm đầu tiên có mầm mống cúm gia cầm là Bến Tre. Ngày 25/8/2006, theo thông tin từ Trung tâm Thú y vùng TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục phát hiện trên một đàn vịt khoẻ mạnh virus H5N1 tại thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đàn vịt này vốn chưa được tiêm phòng. Ngay sau khi phát hiện, đàn vịt này đã bị tiêu huỷ.

Ngày 19/12/2007, Bạc Liêu và Cà Mau chính thức công bố cúm gia cầm tái phát. Trước đó, ngày 6/12, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, làm chết 490 con gà, hơn 2 nghìn con vịt. Ngày 7/12, dịch cúm gia cầm đã phát ra tại 5 hộ chăn nuôi vịt tại 3 ấp thuộc xã Vĩnh Bình (huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu). Số vịt chết tổng số của các hộ khoảng 3.500 con. Đây là ổ dịch cũ, xảy ra vào năm 2004. Việc xử lý đã được tiến hành nhanh chóng, tuy nhiên, hiệu quả chưa thật cao.

Ngày 20/12/2006, Bộ Y tế đã có công điện gửi các tỉnh, thành trong cả nước, và một công điện gửi riêng 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau yêu cầu tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, y tế địa phương phải giám sát ngay những nơi có gia cầm bị cúm, xem xét các biểu hiện bất thường trên người ở khu vực đó để xử lý ngay; thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường; vận động tuyên truyền người dân tăng cường cảnh giác, nếu có gia cầm bệnh hoặc chết phải báo ngay cho cơ sở thú y và y tế gần nhất.

Diễn biến

Tháng 12/2006, dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trên địa bàn các xã thuộc hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Tình trạng thủy cầm chết lan rộng các xã ở huyện Hoà Bình – tỉnh Bạc Liêu. Đàn thuỷ cầm của bà con xã Vĩnh Bình đã chết rải rác và lan sang các xã khác trong huyện Hoà Bình như Vĩnh Thanh, Vĩnh Bình, Minh Diệu…

Cúm gia cầm càng trở nên nguy cấp hơn khi có đến 6 người phải nhập viện sau khi ăn thịt gà. Đó là trường hợp của chị Đỗ Thị Hoà, 36 tuổi tại ấp Ông Ngươn (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau) cùng 3 người con đã lần lượt phải vào Trung tâm y tế huyện sau khi ăn một con gà chết ngày 23/12. Tại tỉnh Sóc Trăng, cũng có 2 người bị khó thở vì ăn thịt gà.

Đến ngày 25/12/2006, Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các tỉnh thành phố đều thành lập các đội cơ động chống dịch, sẵn sáng ứng cứu khi cần thiết. Viện Pasteur TP HCM sẵn sàng giúp đỡ chuyên môn cho Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh phía Nam. Ngoài ra, Viện này có nhiệm vụ triếp nhận, phân tích, lưu giữ các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus cúm H5N1.

Tới ngày 26/12, theo thống kê của Sở NN & PTNT Cà Mau, đã có hơn 11.000 con gia cầm bị tiêu huỷ tại vùng phát dịch. Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm Cà Mau khẳng định đã khống chế, khoanh vùng dịch cúm gia cầm tái phát và tiến hành tiêu độc, sát trùng trên diện rộng. Các xã ấp thành lập được tổ hành động phòng chống dịch cúm gia cầm.

Việc kiểm soát nhanh chóng cúm gia cầm cho thấy sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, người dân các địa phương xảy ra dịch. Tuy nhiên, các nguy cơ có liên quan đến cúm gia cầm chưa phải đã hết. Vì vậy, các biện pháp phòng chống vẫn là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cũng đã ký Công điện số 43 BNN/CĐ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; các Bộ, ngành yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ phòng bệnh cúm gia cầm tái phát. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu tổ chức giám sát dịch đến tận hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan rộng; Tổ chức tiêm phòng bổ sung triệt để cho đàn gia cầm, đặc biệt là đàn thuỷ cầm; kiên quyết tiêu huỷ đàn gia cầm của hộ chăn nuôi nào không thực hiện việc tiêm phòng theo quy định… Kế hoạch tiêm phòng vaccine cúm gia cầm từ tháng 3/2007 cho 14 tỉnh thành phía Bắc, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ, 13 tỉnh ĐBSCL đã được Bộ trưởng công bố tại Hội nghị phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 28/12/2006. Bộ cũng khẳng định sẽ ưu tiên cung cấp vaccine theo yêu cầu cho các tỉnh ĐBSCL trước ngày 1/1/2007.

Đầu tháng 1/2007, dựa vào việc theo dõi thông tin về cúm gia cầm tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN & PTNT đã đưa ra dự báo về việc cúm gia cầm có khả năng lây lan đến các tỉnh miền Trung. Cuối tháng 12 vừa qua, Hậu Giang ghi tên vào một trong những tỉnh tái xuất cúm gia cầm.

Ngoài ba tỉnh đã xảy ra dịch, 5 tỉnh khác cũng sẽ nằm trong vòng nguy hiểm, với khả năng tái phát dịch vào bất kỳ lúc nào. Đó là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình.

Điều đáng báo động là tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, qua xét nghiệm các mẫu virus trên đàn vịt, cơ quan thú y nhận thấy hầu hết các mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus cúm H5N1. Hơn nữa, công tác phòng chống dịch ở những vùng này chưa được chú trọng đúng mức.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 30/1/2007, Cục trưởng Bùi Quang Anh cho biết, dịch cúm gia cầm đã thu hẹp đáng kể nhờ triển khai quyết liệt công tác dập dịch.

Cho đến những ngày giáp Tết Đinh Hợi, các tỉnh ĐBSCL không phát hiện thêm ổ dịch mới. Đến nay, chỉ còn 13 xã, phường thuộc 4 tỉnh, thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long có dịch cúm gia cầm.

Cùng với cả nước, tại miền Bắc, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra khá sối nổi. Ngày 25/1/2007, Hà Nội đã thu giữ và tiêu huỷ 30.000 quả trứng, hơn 1.000kg gia cầm chưa kiểm dịch. Thành phố cũng cho lập chốt kiểm dịch tại bến xe phía Nam, chỉ trong 1 ngày, đã thu giữ tiếp hơn 100 kg trứng, và thịt gia cầm.

Vì sao cúm gia cầm tái phát ?

Gà lậu được xem là một trong những nguyên nhân gây ra cúm gia cầm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Từ đầu năm 2006, số lượng gà nhập lậu từ Trung Quốc, qua đường biên, vào Việt Nam có xu hướng gia tăng, do giá cả rẻ hơn rất nhiều gà trong nước. Giá bán tại biên giới chỉ khoảng 10.000 – 20.000đ/kg, về đến xuôi chỉ khoảng 20.000 – 25.000đ/kg.

Số vụ vận chuyển gà lậu bị bắt giữ tại Lạng Sơn từ đầu năm 2006 đến cuối tháng 3/2006 lên đến hơn 500 vụ. Không chỉ người dân mua gà này, mà một số cơ sở kinh doanh mua gà này về giết mổ, bán ra thị trường kiếm lời. Theo ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, 1% số gia cầm ở Trung Quốc (trong số 700 tỷ con gia cầm) có virus đang lưu hành.

Điều đó có nghĩa là, nếu việc nhập lậu gia cầm ở Trung Quốc không được ngăn chặn thì nguy cơ tái phát gia cầm Việt Nam là chắc chắn.

 Đến những ngày cuối năm, lại rộ lên dư luận về trứng nhiễm Sudan Red IV – một chất có khả năng gây ung thư cho người tại Việt Nam, gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các xét nghiệm của Cục Thú y, đến thời điểm này, các kết quả chưa phát hiện thấy loại trứng gà có chứa độc tố lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Việc vận chuyển gia cầm thiếu sự quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan có chức năng. Gia cầm chưa kiểm dịch tự do lưu thông từ vùng này đến vùng khác. Tại Hà Nội, theo thống kê, hàng ngày có khoảng 200 tấn gia súc, gia cầm từ các tỉnh vận chuyển vào thành phố, song chỉ có 10 – 20 % số xe vận chuyển được kiểm tra tại các trạm kiểm dịch.

Người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và gia đình, hết sức thận trọng khi chọn mua trứng để tránh mua phải trứng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại vùng ĐBSCL, đàn gia cầm khá đông (với số lượng lên đến 12 triệu con). Số lượng đàn này lại chia tách, nhỏ lẻ, chăn thả rải rác. Vì vậy, việc tiêm phòng, kiểm dịch gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, thời điểm khiến cúm gia cầm dễ tái phát là vào mùa lạnh. Việc cúm gia cầm xuất hiện trước nhất ở các tỉnh ĐBSCL, rất có thể là do sự di chuyển của virus H5N1 vùng không khí lạnh – miền Bắc, miền Trung vào. Gặp điều kiện thuận lợi, virus H5N1 sẽ bùng phát nhanh chóng. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng Việt Nam như Cục Thú y, Cục chăn nuôi và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát, không để trứng gà, trứng vịt trôi nổi xâm nhập vào Việt Nam.