Cần chủ động ứng phó với kịch bản nước biển dâng 2m

ThienNhien.Net – Chủ động thích nghi và ứng phó tích cực là tinh thần mà mọi cấp, mọi ngành phải quán triệt trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt và có những dấu hiệu cực đoan hơn. Đó là yêu cầu đặt ra trong cuộc họp sáng 16/02 về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tính tới kịch bản nước biển dâng 2m

Các báo cáo, tham luận từ các Bộ, ngành liên quan về tình hình, kết quả các Hội nghị quốc tế gần đây nhất về biến đổi khí hậu cho thấy một thực trạng đáng lo ngại hơn về tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng.

Những thống kê về thiên tai, một số dấu hiệu ảnh hưởng ngày càng rõ nét của BĐKH đối với Việt Nam cho thấy đây ngày càng là vấn đề sống còn đối với đất nước ta. Đã đến lúc Việt Nam phải tính tới cả những kịch bản ảnh hưởng của BĐKH xấu hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Chẳng hạn với nền nhiệt độ cao hơn 2,5 độ C thì khả năng nước biển sẽ dâng lên tới 2 m trong vòng 100 năm tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều thách thức trước mắt để cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý toàn cầu để ứng phó với BĐKH. Việt Nam cần chủ động chuẩn bị cho mình những phương án đối phó với cả những kịch bản xấu nhất: đến cuối thế kỷ nước biển dâng cao tới 2 m.

Theo Phó Thủ tướng, những năm qua thiên tai tác động cực đoan hơn, nước biển dâng và địa chất thay đổi (nguy cơ động đất, sóng thần có tần suất, cường độ cao hơn). Việt Nam cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình giảm nhẹ được triển khai dài hạn cùng với các chương trình ứng phó, thích ứng cấp bách, phân chia theo giai đoạn và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, cấp bách nhất là phải sớm có đánh giá mới về các kịch bản biến đổi khí hậu, làm tiền đề xem xét, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, các dự án giao thông, di dân, đê biển, xây dựng công nghiệp…, đặc biệt là 2 dự án lớn về cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng – 2 vựa lúa chính của đất nước

Coi ứng phó BĐKH là vấn đề sống còn của đất nước

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chủ động ứng phó với BĐKH nhằm bảo vệ nhân dân, đảm bảo phát triển bền vững và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất là những chính sách trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng nêu rõ chủ trương “nội lực là chính, chủ động kết hợp, tranh thủ tối đa vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các thỏa thuận từ các hội nghị quốc tế”.

Theo đó, Việt Nam vừa phải chủ động thích nghi, vừa ứng phó tích cực và linh hoạt về giải pháp đối với từng lĩnh vực, từng khu vực. Đối với từng ngành cũng vậy, có những quy hoạch, công nghệ phải bỏ ngay, hoặc bỏ có lộ trình, xây dựng kế hoạch thay thế, chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Xây dựng chiến lược quốc gia về BĐKH

Thủ tướng giao các ngành, các địa phương sớm có báo cáo để tổng hợp thành các kịch bản, chương trình ứng phó BĐKH toàn quốc. Từ đó xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam, cùng với các chiến lược phát triển xanh, chiến lược hỗ trợ với BĐKH…

Chiến lược quốc gia sẽ đưa ra những định hướng tổng thể để từng ngành, từng địa phương cụ thể hóa bằng những kế hoạch, danh mục dự án. Danh mục các dự án này sẽ được xem xét, ưu tiên huy động bố trí vốn để triển khai.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, thống nhất trình tự, thủ tục đối với các dự án hỗ trợ quốc tế về ứng phó BĐKH; cho ý kiến đẩy nhanh tiến độ một số dự án hỗ trợ đang trong quá trình đàm phán với các nhà tài trợ, về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình ứng phó BĐKH, về tư vấn chính sách, tạo điều kiện cho các nhà tài trợ quốc tế tham gia vào lĩnh vực này.

Hiện đã có 21 chương trình, dự án tài trợ đa phương và song phương giúp đỡ Việt Nam ứng phó với BĐKH và 11 dự án đang đàm phán.

Các chương trình, dự án này tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu sử dụng đất đai bền vững trong điều kiện nước biển dâng; cải tạo, nâng cấp hệ thống khai thác sử dụng nước; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường các vùng ven biển, đất ngập nước, quản lý tổng hợp vùng bờ biển và hải đảo; hiện đại hóa lĩnh vực khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản; nâng cao năng lực phòng chống lũ bão, chống ngập các khu đô thị tập trung; các chương trình giảm thiểu phát thải nhà kính; các dự án chính sách trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội, truyền thông quảng bá.