Ứng dụng đại trà vật liệu polyme tự phân hủy

ThienNhien.Net – Dựa trên sự kết hợp giữa nhựa polyetylen tỉ trọng thấp cùng một số loại tinh bột và hóa chất, các nhà nghiên cứu Viện Hóa học Công nghiệp đã chế tạo, ứng dụng thành công vật liệu polyme tự phân hủy, còn gọi là vật liệu polyme phân hủy sinh học. Loại vật liệu này, nếu được ứng dụng sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn trong việc làm giảm ô nhiễm môi trường, kích thích sinh trưởng của cây, tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng và độ tơi xốp của đất.

Điểm mới của sản phẩm là có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm được chế từ nhựa nhiệt dẻo thông thường. Sau khi sử dụng, sản phẩm sẽ tự phân hủy thành dạng bột mà không gây ô nhiễm môi trường. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra thị trường 3 dạng sản phẩm màng phủ nông nghiệp, bao bì bọc bầu ươm cây và túi bao bì, nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Theo PGS-TS. Mai Ngọc Chúc – Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp, công nghệ sản xuất vật liệu polyme tự phân hủy sẽ được chuyển giao cho tất cả các xí nghiệp, công ty gia dụng chế biến nhựa trên cả nước và đưa vào ứng dụng đại trà trên quy mô công nghiệp.

Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội mới đây cũng đã cho xuất bản cuốn giáo trình về vật liệu sinh học nhằm giúp các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy có điều kiện tiếp cận với đề tài mới mẻ này.