Những thách thức của ngành gỗ xuất khẩu

ThienNhien.Net – Theo con số ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2010 có thể đạt hơn 3 tỉ đô la. Đây là con số rất ấn tượng, thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta, đặc biệt kể từ giữa thập niên 2000. Tuy nhiên, ngành xuất khẩu gỗ cũng đang đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng do phải đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của thị trường.

Hoa Kỳ và EU là hai thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Thời gian gần đây, dưới sức ép của các tổ chức bảo tồn quốc tế, cùng với nhận thức về môi trường ngày càng cao của người tiêu dùng tại các thị trường này, Chính phủ Hoa Kỳ và EU đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với đồ gỗ nhập khẩu nhằm hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc không minh bạch về mặt pháp lý, hay nói một cách khác là họ chỉ chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc “sạch”.

Hiện nay, EU đang thực thi Chương trình tăng cường thực thi lâm luật quản trị rừng và thương mại gỗ, gọi tắt là FLEGT. Có thể hiểu cơ chế của FLEGT là EU làm việc với các đối tác cung cấp sản phẩm gỗ vào thị trường của mình để đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ đó đạt tiêu chí “sạch”.

Cụ thể, nếu các nước xuất khẩu đồng ý tham gia hợp tác với EU trên nguyên tắc tự nguyện, hai bên sẽ ngồi lại đàm phán bốn mảng nội dung sau: (i) Tăng cường chất lượng và tạo đồng thuận giữa các bên liên quan về tính hợp pháp của gỗ sử dụng để chế biến xuất khẩu; (ii) Kiểm soát chuỗi hành trình sản phẩm (ví dụ từ khâu khai thác cây đến khâu xuất khẩu sản phẩm cuối cùng); (iii) Kiểm chứng (chuỗi hành trình sản phẩm và tính hợp pháp); (iv) Giám sát độc lập để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của cả hệ thống .

Trên cơ sở thống nhất về bốn nội dung này, hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận đối tác tự nguyện. Có được bản thoả thuận này cũng có nghĩa rằng quốc gia xuất khẩu có thể tránh được các thủ tục nhập khẩu phức tạp tại các quốc gia nhập khẩu sản phẩm trong khối EU.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 5, với ước tính khoảng hơn 3 tỉ đô la trong năm 2010. Không chỉ là một nguồn thu quan trọng đóng góp cho ngân sách quốc gia, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 25 vạn lao động, hiện đang làm việc tại trên 2.500 doanh nghiệp.

Năm 2008, Chính phủ Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Lacey sửa đổi. Đạo luật này quy định các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trước khi nhập vào thị trường Hoa Kỳ cần được các nhà nhập khẩu chứng minh rõ ràng về nguồn gốc pháp lý.

Khi cần thiết, các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ có thể sử dụng các minh chứng này để tìm lại nguồn gốc ban đầu của sản phẩm hoặc điều tra nếu thấy nghi ngờ. Trong trường hợp có vi phạm, cơ quan (hoặc cá nhân) nhập khẩu sản phẩm vào Hoa Kỳ sẽ bị xử phạt tuỳ mức độ, từ phạt tiền cho đến tịch thu hàng hóa và giấy phép kinh doanh, và thậm chí là bỏ tù.

Cơ hội và thách thức

Các quy định mới do Hoa Kỳ và EU đưa ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành gỗ của Việt Nam. Việt Nam đã chính thức tuyên bố tham gia đàm phán với EU về chương trình FLEGT. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo về các vấn đề có liên quan. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường thực thi lâm luật về quản trị rừng.

Hợp tác với EU sẽ nâng cao tính hợp pháp của nguồn gỗ đầu vào sử dụng cho xuất khẩu, tăng cường sự kiểm soát đối với chuỗi cung ứng và đảm bảo các khâu sản xuất, lưu thông, xuất khẩu vận hành hệ thống một cách hiệu quả và minh bạch.

Sản phẩm có nguồn gốc “sạch” về pháp lý sẽ tạo cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm có nguồn gốc không minh bạch. Việc đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng trong nhập khẩu từ các nước trong khối EU là lợi thế quan trọng cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, một số ý kiến cho rằng thực ra FLEGT của EU và Đạo luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là các rào cản về thương mại núp dưới cái bóng “môi trường”. Quan điểm này phần nào phản ánh những lo lắng về các tác động tiêu cực do các quy định mới về thị trường có thể tạo ra đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, nguồn gỗ cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được 20% cho chế biến và xuất khẩu. Hàng năm, nước ta phải nhập khẩu 80% nguyên liệu gỗ đầu vào từ nước ngoài, trong đó Lào, Campuchia, Myanmar là ba trong số 10 nước cung cấp gỗ đầu vào lớn nhất (về số lượng) cho Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế và một số tổ chức môi trường đang có những nghi ngờ về tính hợp pháp của gỗ từ các thị trường này. Thậm chí, một số tổ chức môi trường còn đưa ra bằng chứng rằng gỗ có nguồn gốc từ các nước này thường là không hợp pháp, hay nói cách khác là “không sạch”, vì các quy định trong đền bù cho cộng đồng, khai thác, vận chuyển, chế biến, an toàn lao động, v.v. không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, và thông thường quá trình này thường có sự bao che đi liền với tham nhũng của các quan chức địa phương tại các quốc gia này.

Rủi ro có thể xảy ra khi Việt Nam sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu từ các quốc gia này để xuất khẩu vào các thị trường nhạy cảm về mặt môi trường như Hoa Kỳ và EU trong tương lai. Chỉ cần một hoặc một vài doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp phải vấn đề, cả ngành gỗ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đối với ngân sách quốc gia, mà nó còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới trên 25 vạn lao động của ngành.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Việt Nam phải làm gì để giảm rủi ro về thị trường xuất khẩu trong tương lai?

Có người cho rằng các doanh nghiệp gỗ có thể mua gỗ có chứng chỉ từ các nước có độ an toàn cao sử dụng cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, có một số khó khăn khi thực hiện giải pháp này bởi lượng gỗ có chứng chỉ được công nhận bởi các tổ chức quốc tế không nhiều, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường, đồng thời giá của gỗ có chứng chỉ thường cao hơn giá gỗ không có chứng chỉ. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đủ vốn để mua loại gỗ này và họ thường tìm đến các nguồn cung cấp gỗ rừng tự nhiên – loại gỗ có chất lượng cao hơn gỗ có chứng chỉ trong khi giá lại rẻ hơn.

Ý kiến lạc quan thì cho rằng không cần thiết phải quá lo lắng, bởi vì chúng ta có thể tập trung nguồn lực để mở rộng diện tích rừng trồng, khai thác nguồn gỗ ngay trong nước. Song, với hướng đi này cũng sẽ phải đối mặt với các khó khăn cơ bản như: (i) đất trồng rừng thường không tập trung và khó có thể tạo ra một nguồn gỗ đầu vào lớn nếu đất đai quá phân tán; (ii) rừng trồng hiện tại của Việt Nam không tạo được gỗ lớn sử dụng để sản xuất đồ xuất khẩu mà hầu hết được sử dụng làm nguyên liệu giấy; và (iii) rừng trồng tính đến khi khai thác mất ít nhất 6-7 năm, trong thời gian này, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu để bù mức thiếu hụt.

Một luồng ý kiến khác gợi ý nên tránh các thị trường nhạy cảm về môi trường như Hoa Kỳ và EU mà tập trung vào các thị trường ít nhạy cảm hơn, ví dụ như Trung Quốc, Trung Đông, Nga. Hiện Trung Quốc đang là đối tác rất mạnh và ổn định đối với đồ gỗ của Việt Nam. Trung Đông và Nga là hai thị trường mới và đang trên đà phát triển. Mặt trái của đề xuất này ở chỗ để xâm nhập thị trường mới và chiếm lĩnh đáng kể thị phần tại các thị trường này là điều hết sức khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, bởi họ không có nguồn lực để tìm hiểu và mở rộng thị trường.

Tóm lại, có thể nói rằng các quy định mới của thị trường có thể là cơ hội đối với nhóm doanh nghiệp này nhưng lại là thách thức đối với các nhóm doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh của Việt Nam, với 70% số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, việc Hoa Kỳ và EU ban hành các quy định về thị trường nhập khẩu sẽ có các tác động tiêu cực nhất định đối với các doanh nghiệp này trong tương lai gần.

Một khả năng có thể xảy ra là sẽ hình thành nên một cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh và các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Trong cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp lớn sẽ càng lớn mạnh, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể bị diệt vong.

Cũng có thể các quy định mới của thị trường sẽ dẫn đến sự phân chia thị trường giữa các nhóm doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp lớn thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của mình tốt hơn và vẫn hướng tới thị trường Hoa Kỳ và EU bằng cách đáp ứng yêu cầu của các thị trường này. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do không đáp ứng được các yêu cầu này sẽ mở rộng hoặc tìm các thị trường mới, ít nhạy cảm về mặt môi trường hơn.

Còn quá sớm để có thể nói rằng các quy định mới của thị trường như Đạo luật Lacey sửa đổi hay Chương trình FLEGT sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho ngành gỗ cũng như quản trị rừng ở Việt Nam và các nước lân cận.

Tác giả: Tiến sĩ Tô Xuân Phúc là chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức nơi tác giả đang công tác. Email liên hệ của tác giả: pto@forest-trends.org