Sự hóa vũ của loài chuồn chuồn kim Protosticta satoi

ThienNhien.Net – Loài chuồn chuồn kim <i>Protosticta satoi</i> được ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997 bởi TS. Asahina dựa trên mẫu vật con cái duy nhất thu thập bởi đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Tokyo, Nhật Bản. Asahina đã xếp loài này là loài phụ của loài <i>Protosticta khaosoidaoensis</i> – một loài phát hiện tại Thái Lan.

Năm 2008, Jan van Tol thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hà Lan khi phân tích các mẫu vật thu thập tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Tam Đảo đã kết luận rằng thực chất loài “satoi” mà Asahina ghi nhận năm 1997 là một loài tách biệt với loài “khaosoidaoensis” của Thái Lan. Trong nghiên cứu này van Tol cũng cho rằng loài P. satoi dạng thân đen thu thập ở Tam Đảo chính là loài P. beaumonti dạng thân đen cũng được ghi nhận ở Quảng Tây, Trung Quốc bởi Wilson và Reels năm 2003.

Thực chất, loài P. beaumonti được Keith Wilson thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, Anh mô tả là loài mới cho khoa học dựa trên mẫu vật thu thập tại Hong Kong năm 1997, trước công bố của Asahina ba tháng. Theo quan điểm của tác giả này (2010), sau công bố của van Tol (2008), loài “satoi” thân đen ở Tam Đảo, Việt Nam và “beaumonti” thân đen ở Quảng Tây rất có thể là cùng một loài và hoàn toàn khác biệt với loài ”beaumonti” ở Hong Kong. Nếu theo kết luận này, nhóm này sẽ gồm hai loài, dạng thân đen là loài Protosticta satoi, ghi nhận lần đầu ở Tam Đảo, Việt Nam năm 1997 và Quảng Tây, Trung Quốc năm 2003; loài Protosticta beaumonti có thân mầu sáng hơn được công bố ở Hong Kong.

Trong chuyến đi thực địa tại Vườn quốc gia Tam Đảo năm 2009, Đỗ Mạnh Cương – hiện là cộng tác viên của Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia Việt Nam, thành viên nhóm chuyên gia về chuồn chuồn thuộc IUCN tại Việt Nam – đã ghi lại loạt ảnh về sự hóa vũ của loài P. satoi khi ấu trùng của loài này hóa vũ thành dạng trưởng thành.

Những ảnh chụp được thực hiện tại suối chính của Vườn quốc gia trong thời gian từ 12h36′ đến 13h33′ ngày 18 tháng 04. Loạt ảnh này đã được đăng tải trên tạp chí số đầu năm của Agrion, 2011, một tạp chí về các hoạt động nghiên cứu của các nhà côn trùng học chuyên nghiên cứu nhóm Chuồn chuồn, Odonata thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chuồn chuồn Quốc tế (World Dragonfly Association – WDA), http://ecoevo.uvigo.es/WDA/Agrion/Agrion_15_1_Jan2011_lq.pdf


Protosticta satoi đang hóa vũ, ngày 18/04/2009, Vườn quốc gia Tam Đảo, thứ tự thời gian (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): 12:36; 12:38; 12:41; 12:42; 12:45; 12:51; 13:13 ; 3:33 (Ảnh: Đỗ Mạnh Cương)