Nhọc nhằn bảo tồn di sản, “cứu khát” Cao nguyên đá Đồng Văn

ThienNhien.Net – Nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được đánh giá là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, với các hẻm vực, “rừng đá” và hang động đẹp hùng vĩ.

Cứ vào mùa khô, người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn lại phải đối mặt với cơn khát nước sinh hoạt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cứ vào mùa khô, người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn lại phải đối mặt với cơn khát nước sinh hoạt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở và bị chia cắt bởi hàng trăm dãy núi đá cao, hạn hán diễn ra quanh năm nên đồng bào sinh sống tại vùng “Sơn nguyên đá Đồng Văn” xưa nay vẫn luôn phải sống trong tình trạng “khát” nước trầm trọng. Thực tế này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an sinh và phát triển du lịch của địa phương.

Bài 1: Sinh tồn lay lắt trong vùng “khát” nhất cả nước

Cao nguyên đá Đồng Văn đang vào mùa khô, những ngày này, trên các sườn đồi, chân núi những người nông dân bé nhỏ, nghèo khó vẫn phải ngược xuôi gùi từng can nước trên lưng. Với họ, đó là những giọt nước hiếm hoi để nuôi hy vọng tiếp tục sinh tồn trên “miền đá khát.”

Nước đồng nghĩa với hạnh phúc

Trải qua gần 150 km đường đèo với những đoạn cua tay áo gấp đến chóng mặt giữa một bên là vực sâu và một bên là từng lớp núi đá dốc đứng, khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của Sơn nguyên Đồng Văn hiện ra trong mờ mịt khói mây như để thử thách những người tìm đến “miền đá khát.”

Theo sát những ngọn núi cao, chúng tôi ngược đỉnh Mã Pì Lèng tìm đến huyện Mèo Vạc – nơi được biết đến là “trung tâm khát” của tỉnh Hà Giang. Trên đường đi, những hồ treo quý giá nằm vắt ngang trên lưng núi cũng đã cạn nước, cả một “rừng đá” hiện ra xám xịt và cằn khô.

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus tại xã Pả Vi (Mèo Vạc) vào những ngày giữa tháng Ba, mặc dù trời lất phất mưa, song những hạt mưa mà ông trời ban phát cũng chỉ đủ để làm ướt lớp da thấm bẩn sau cả tháng trời người dân nghèo không tắm rửa vì không có nước.

Trong câu chuyện với khách, anh Thọ Mi Dính ở thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi) cho biết, do nhà nằm ở xa hồ treo (bể chứa) nên cứ vài ngày anh lại phải cuốc bộ vài km để đến hồ treo gùi nước về sinh hoạt.

Vào thời điểm cuối mùa khô, không có mưa, nước hồ treo cũng khô cạn, anh Dính lại phải ngược núi vào sâu trong rừng tìm nguồn nước. Mỗi lần vào rừng gùi nước mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng cũng chỉ gùi được một can 20 lít về để nấu ăn, còn việc tắm giặt dường như không ai dám nghĩ tới.

“Mày nhìn mấy đứa con tao xem, gần tháng nay trời không đổ mưa nên mặt mũi chúng nó cứ nhớp bẩn thế. Nhà tao cũng muốn tắm cho chúng lắm nhưng có nước đâu, ăn chưa đủ lấy đâu nước để tắm,” anh Dính phân trần.

Cùng chung cảnh “khát” nước, từ nhiều năm qua, gia đình anh Ly Mi Bố ở xã Máp Pi Liềng (Mèo Vạc) cũng lay lắt trong cơn khát nước sạch. “Để sống được ở vùng núi đá này, hàng ngày tao phải đi vào rừng để gùi nước, xa và vất vả lắm, nhưng cứ tìm được nước là gia đình tao hạnh phúc rồi,” anh Bố nói.

Vào mùa khô, người dân phải cuốc bộ đến hồ treo và vào sâu trong rừng để gùi từng can nước khan hiếm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Vào mùa khô, người dân phải cuốc bộ đến hồ treo và vào sâu trong rừng để gùi từng can nước khan hiếm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Sống mòn”

Theo thống kê, Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích hơn 2.300 km2. Nơi đây hiện có hơn 25 vạn dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số; trong đó dân tộc Mông chiếm 70%. Đây cũng là vùng thiếu nước trầm trọng nhất trên cả nước.

Trước thực tế trên, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã cho xây dựng hàng nghìn bể nước mưa, lu chứa nước cùng với hệ thống dẫn nước tự chảy. Trong năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư cho Đồng Văn 30 hồ chứa nước (hồ treo) với tổng kinh phí 137 tỷ đồng với hy vọng “cứu khát” cho người dân.

Tuy nhiên, tất cả những cố gắng cứu khát ở vùng cực Bắc xa hôi này cũng mới chỉ giải quyết được một phần tình trạng thiếu nước vào mùa khô, nên đồng bào nơi đây vẫn luôn phải “sống mòn” chờ nước sinh hoạt.

Đơn cử như tại huyện Mèo Vạc, để có nguồn nước sinh hoạt, “cứu khát” cho đồng bào, 16 hồ treo đã được địa phương xây dựng và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hầu hết lớn các hồ treo này lại ít nước và nằm cách khá xa khu dân cư, nên chỉ cấp được nước cho một số ít hộ dân lân cận.

Trò chuyện với phóng viên VietnamPlus, ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, cho biết toàn huyện hiện có 10 xã, thị trấn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Không thể trông chờ ông trời ban mưa, nhiều hộ dân đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nước cứu khát cho chính mình.”

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, “cứ vào mùa khô, những chiếc xe tải lại chở nước từ sông Nho Quế lên Mèo Vạc bán cho người dân. Theo đó, mỗi m3 nước bán tại thị trấn này có giá từ 70-100.000 đồng. Riêng tại các xã vùng cao, vùng sâu, vì đường đi lại khó khăn, nên người dân phải mua với giá 200.000 đồng/m3 nước,” ông Thề nói.

Vị lãnh đạo huyện Mèo Vạc cũng trăn trở, nếu như mùa khô người dân phải sống trong tình trạng khát nước, thì vào mùa mưa – nguồn nước dồi dào lại không đảm bảo an toàn. Bởi xưa nay, hầu hết các gia đình sống trên các sườn núi cao nguyên đá này đều phải hứng nước mưa từ mái nhà lợp bằng pro-ximăng nên chứa nhiều chất amiăng không tốt cho sức khỏe../.

Bài 2: Người dân cao nguyên đá vẫn sống bằng… niềm hy vọng.