Thành thật với Mê Kông (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu hợp tác đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề sông Mê Kông. Tuy nhiên, những động thái này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của các nước trong lưu vực, cũng như chưa đủ để mang lại lợi ích chung, giáo sư Tần Cối nhận định.

Thành thật với Mê Kông (Kỳ 2)

Trung Quốc nên cởi mở hơn…

Trước thềm cuộc họp hồi tháng 4/2010 của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Trung Quốc đã có động thái đáng hoan nghênh khi cho biết sẽ cung cấp dữ liệu thủy văn của các bể chứa đập Mạn Loan và Cảnh Hồng; đồng thời sẽ cân nhắc tới lợi ích của các quốc gia hạ nguồn trong các kế hoạch phát triển trên sông Mê Kông; và sẵn lòng thảo luận với những khu vực chịu ảnh hưởng.

Đây là dấu hiệu tốt, song bản thân tôi vẫn cho là Trung Quốc còn có thể cởi mở hơn.

Vì cớ gì mà Trung Quốc chỉ chuyển giao dữ liệu hai hồ chứa nhỏ hơn chứ không phải hồ chứa Tiểu Loan – lớn hơn 10 lần và có thể ảnh hưởng tới dòng chảy của con sông Mê Kông trong nhiều năm?

Nếu Trung Quốc sử dụng cái cớ “chủ quyền” để không cung cấp bất cứ dữ liệu nào thì lại đi một nhẽ (Không, tất nhiên tôi không khuyên Trung Quốc làm điều này). Nhưng việc chỉ cung cấp dữ liệu các hồ chứa nhỏ hơn khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về những gì xảy ra ở các hồ chứa còn lại. Và nếu những chỉ trích tiếp theo buộc Trung Quốc phải cung cấp thêm thông tin thì chẳng khác nào Trung Quốc bị đẩy vào thế phòng thủ.

Phải chăng Trung Quốc không thể chủ động hơn? Xét cho cùng thì hồ chứa cũng đâu có “nắp” và vô số vệ tinh có thể giám sát mực nước hồ. Và giả sử những chỉ trích Trung Quốc đang “nhận được sự hậu thuẫn” của phương Tây, như một số người đã suy đoán, thì chẳng khó khăn gì mà Phương Tây không chuyển giao dữ liệu đó cho các nước trên lưu vực. Vậy tại sao Trung Quốc không công bố bố dữ liệu vận hành đập để tránh khỏi những ngờ vực không cần thiết?

Khi đến thăm Đông Nam Á, tôi đã nghe nhiều dư luận hiểu chưa đúng về các kế hoạch phát triển của Trung Quốc. Chẳng hạn, tôi đã nghe người ta phàn này về những hậu quả từ “tám hồ chứa” Trung Quốc đã xây dựng trên dòng Lan Thương. Mặc dù trong thực tế chúng ta đến nay mới chỉ thi công được bốn trong số tám con đập trong kế hoạch phát triển.

Tuy nhiên, hầu hết những chỉ trích mà tôi nghe được lại không nhắm vào những gì Trung Quốc đang làm, mà ở thái độ từ chối đàm phán, tiết lộ thông tin cho cộng đồng của chúng ta. Chính quyền Trung Quốc bị phê phán rằng chỉ sẵn sàng giao thiệp với các chính phủ mà bỏ qua các tổ chức dân sự và công chúng, và rằng những nỗ lực để có được thông tin từ đại sứ quán và các công ty Trung Quốc đang bị cự tuyệt.

Về điểm này thì các nước Phương Tây làm tốt hơn. Nhiều công ty phương Tây đang hoạt động trong khu vực rất tích cực mời các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông tới thăm các công trình của mình và sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc. Họ rất giỏi thuyết phục giới truyền thông và xã hội dân sự.

Nói về điều này, có người đã so sánh hai con đập thuỷ điện nằm cận kề nhau ở Lào. Một con đập do Trung Quốc xây dựng thì được quân đội bảo vệ, không cho phép tham quan. Trong khi đó con đập do Phương Tây xây dựng lại mở cửa đón các tổ chức xã hội dân sự, giới truyền thông và người tham quan. Chẳng phải nói thì bạn cũng biết người địa phương thích cách nào hơn.

… và cùng chia sẻ trách nhiệm chung

Ủy hội sông Mê Kông là một kênh quan trọng để đàm phán chính thức, và với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác, tổ chức này đang có ảnh hưởng lớn.

Khi thể chế này được thành lập vào những năm 1990, quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước thành viên chưa được bình thường hóa và Trung Quốc không được mời tham gia. Tất nhiên đây không phải lỗi của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay quan hệ hòa hảo đã được thiết lập và sự phát triển của Trung Quốc trên dòng sông – và cả những tác động từ đó – đang gia tăng, khiến sự tham gia của Trung Quốc đang rất được kỳ vọng.

Mặc dù vậy khoảng cách của các lợi ích cạnh tranh trong MRC khiến nhiều người Trung Quốc tin rằng đó không phải là một diễn đàn hiệu quả. Và để tránh bị MRC kiềm chế, Trung Quốc vẫn chỉ muốn dừng lại ở vị trí quan sát viên.

Như đã nói, bất kể các hồ chứa của Trung Quốc được vận hành ra sao thì cũng có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực tới hạ nguồn. Chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng nếu vẫn đơn phương trong mọi quyết định liên quan đến dòng sông Mê Kông, chúng ta không thể giành được lòng biết ơn từ những người có lợi, trong khi phải hứng những lời chỉ trích từ những người gặp nạn.

Nếu chúng ta có những nguyên tắc và cơ chế phù hợp để điều phối thành công những lợi ích đa phương này, chúng ta có thể thiết lập một hệ thống bồi thường và chịu trách nhiệm. Mọi chuyện sẽ nhờ thế mà khác đi.

Như tôi đã nói, nhu cầu của Thái Lan và Lào là hoàn toàn khác với Campuchia, nhưng họ chỉ buộc tội Trung Quốc chứ không chỉ trích lẫn nhau. Lý do ngoài việc bản thân họ cũng thiếu năng lực kiểm soát dòng sông còn là vì tất cả các quốc gia này cùng tham gia hoạch định chính sách tại MRC. Họ có trách nhiệm chung. Bất kể tác động của chính sách ấy là gì, không quốc gia nào có thể phàn nàn rằng họ bị quốc gia khác cố ý làm hại.

Còn Trung Quốc đơn phương gánh vác trách nhiệm cho hành động của mình và sẽ chỉ nhận được những sự chỉ trích, không một lời cảm ơn. Có một điều rõ ràng là tác động của Trung quốc lên dòng Mê Kông đang gia tăng và sự tham gia của Trung Quốc vào cơ chế ra quyết định đa phương này có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.