Phát triển cao su chưa mất kiểm soát

ThienNhien.Net – “Tôi không đồng ý nói trồng cao su mất kiểm soát. Vượt quy hoạch có nhiều nguyên nhân nhưng công tác quy hoạch cần phải sát hơn”.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến hết năm 2012 diện tích cao su cả nước đã đạt 912.000 ha, vượt xa con số quy hoạch 800.000 ha vào năm 2015 và dường như diện tích cao su chưa dừng lại.

Mở rộng diện tích cao su hiện đang đặt ra nhiều vấn đề không chỉ về bài toán kinh tế, môi trường mà còn nảy sinh khá nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Cho đến nay cao su ở Tây Bắc vẫn chưa có được kết luận rõ ràng, cao su ở Tây Nguyên đã phát sinh những sai phạm trong quá trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, thêm vào đó là những mâu thuẫn về đất đai, băn khoăn về thu nhập và hiệu quả của cây công nghiệp này khi những biến động về giá cả, thị trường thế giới đang cho thấy những yếu tố bất lợi.

Giải đáp những thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã trả lời phỏng vấn của VOV.VN.

Vượt quy hoạch là do…cao su tiểu điền

PV: Thưa Thứ trưởng, trồng cao su của nước ta vượt quy hoạch là do đâu và điều này có tác động như thế nào đối với phát triển kinh tế, xã hội và tài nguyên rừng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng là diện tích cao su cả nước đã vượt con số quy hoạch hơn 100.000 ha. Phát triển cao su thế nào và tại sao vượt? Vượt chủ yếu là cao su tiểu điền, tập trung ở vùng Đông Nam bộ và miền Trung. Ví dụ ở Tây Nguyên Chính phủ đồng ý quy hoạch 100.000 ha nhưng đến nay cũng chỉ đạt 72.000.

Vậy vượt do đâu? Do quy luật kinh tế, mấy năm vừa rồi, hiệu quả kinh tế từ cây cao su cao nên người dân chạy theo trồng.

Cao su được coi là cây trồng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả hàng hóa. Ở nhiều nơi đã khẳng định rõ điều này. Tuy vậy, cũng có nhiều nơi trồng ở vùng đất không phù hợp, ở độ cao quá mức thì không phát triển, vùng ảnh hưởng của bão sẽ không hiệu quả, thực tế qua 2 cơn bão số 5, số 6 vừa qua thấy rõ.

Còn việc có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng hay không thì tôi xin nói rõ thế này: chủ trương trồng cao su là trên đất trống phi lâm nghiệp, không có rừng. Ở Tây Nguyên là chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Như vậy không thể ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Chỉ có điều một số dự án trồng cao su chưa được quản lý chặt chẽ nên có những sai phạm, không chỉ chuyển đổi rừng nghèo kiệt mà cả rừng tự nhiên vì vậy năm 2010 Thủ tướng Chình phủ đã có quyết định 1680 rút cấp phép nhiều dự án và tạm dừng 38 dự án chưa phê duyệt. Diện tích cao su Tây Nguyên không đạt quy hoạch cũng vì lý do này.

Phát triển cao su ở Tây Bắc, mà nòng cốt là Tập đoàn cao su Việt Nam với mô hình liên kết với địa phương, người dân góp đất làm vốn với doanh nghiệp và hưởng lợi theo chính sách thỏa thuận. Theo báo cáo của Tập đoàn cao su, tăng trưởng cao su ở đây tương đối tốt, đạt tiêu chuẩn, từ trung bình khá trở lên. Tập đoàn cao su cũng đánh giá rằng, năng suất đạt bình quân chung của cả nước là 1,5-1,6 tấn/ha cho một chu kỳ kinh doanh ổn định.

Qua đợt rét vừa qua, cao su không bị chết, kể cả sương muối cũng không ảnh hưởng. Tôi cho rằng Tập đoàn cao su đã lựa chọn đúng những vùng trồng cao su phù hợp, độ cao cho phép, sử dụng lưu vực một số con sông, nên không bị lạnh, tuyết, và sương muối.

Như vậy tạm thời có thể thấy là nếu nghiên cứu kỹ thì trồng cao su ở Tây Bắc thành công ở một số vùng, tuy nhiên không phải toàn vùng vì một số người dân vẫn tự ý phát triển cao su ở những nơi không phù hợp nên đã có hiện tượng cao su không phát triển, bị chết…

 Đồng bào Gia Rai đã là công nhân cao su trên địa bàn huyện Chư Prong, Gia Lai (Ảnh: VOV Online)

Đồng bào Gia Rai đã là công nhân cao su trên địa bàn huyện Chư Prong, Gia Lai (Ảnh: VOV Online)

Rừng chuyển sang trồng cao su có hoàn toàn là rừng nghèo kiệt?

PV: Ở Tây Nguyên, cao su trồng mới chủ yếu được chuyển từ rừng nghèo kiệt. Mặc dù tiêu chí rừng nghèo kiệt đã rõ ràng nhưng có nhiều nhà khoa học cho rằng một nửa trong số này lại không phải nghèo kiệt. Điều đặc biệt là rừng khộp Tây Nguyên có một giá trị môi trường và bản sắc rất riêng. Liệu có đặt ra câu chuyện về đánh đổi lợi ích kinh tế và môi trường cũng như văn hóa hay không? Tôi được biết, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có đoàn kiểm tra về công tác trồng cao su tại địa bàn Tây Nguyên, vấn đề này có được đề cập không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Cho đến bây giờ tôi chưa nhận được một bản báo cáo đầy đủ nào đánh giá về giá trị của rừng khộp nghèo kiệt. Ở tiêu chí nghèo kiệt, tôi thấy rằng, nếu mục trắc thì có lẽ rừng khộp không thể hơn cây cao su về mật độ che phủ, phòng hộ, giữ nước. Tôi cũng khẳng định rằng, báo cáo của Đoàn kiểm tra cũng kết luận rằng, tiêu chí rừng nghèo kiệt Bộ NN&PTNT đưa ra là đúng, nhưng một số nơi làm không đúng từ quy trình điều tra, thiết kế trạng thái rừng, ngay từ đầu đã sai… Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định tạm dừng.

Thêm nữa, một số nơi, quá trình khảo sát, điều tra không đúng mức, không phù hợp nên trồng cao su không thành công, ở những nơi này phải chuyển sang trồng mía. Ở Gia Lai có nhiều sai phạm, dứt khoát phải xử lý. Ở nơi nào chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su không thành công thì phải trồng lại rừng.

PV: Những dự án bị rút giấy phép chiếm 11% và số dự án phải tạm dừng là 38. Một số đại biểu quốc hội và nhiều chuyên gia cho rằng nếu đã sai phạm thì không chỉ tạm dừng mà phải cho dừng luôn, ý kiến Thứ trưởng thế nào?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Không chỉ 38 mà tất cả dự án nào khai hoang rừng tự nhiên đều phải dừng lại. Nhưng dừng những dự án này chứ không phải dừng trồng cao su. Chủ trương là nhằm bảo vệ rừng tự nhiên.

Tôi cũng lắng nghe rất nhiều ý kiến, không chỉ ý kiến của đại biểu quốc hội mà của cả người dân nữa, nói là không tạm dừng mà dừng luôn đi. Nhưng theo tôi, Thủ tướng nói tạm dừng không phải 1 năm, 2 năm mà nếu chưa cho làm thì tức là không được làm.

Phát triển cao su liệu có mất kiểm soát?

“Xét về môi trường sinh thái, tôi là người trồng cao su nhưng tôi cũng không ủng hộ quan điểm của Bộ NN&PTNT coi cây cao su là cây đa chức năng. Bởi vì trồng cao su là phải làm cỏ, bón phân. Mà đã làm cỏ thì tăng độ xói mòn, dù thế nào, đưa các loại phân bón hóa chất thì đều không có lợi cho môi trường. Tôi nghĩ nôm na và nhìn thấy rằng, chỗ nào trồng cao su lâu thì ở đó các con suối ở ven đó đều bị cạn, không giữ được nước. Đó là thực tế, phải nói cho đúng là như vậy!” – (Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư Lệnh Binh đoàn 15)

PV: Vâng, như vậy là có thể thấy hiện tại có 2 điểm của dự án trồng cao su tạm gọi là chưa kiểm soát được. Một là vượt quy hoạch, hai là việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su chưa thật sự theo đúng chuẩn hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Vậy trách nhiệm ở đây là do đâu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Tôi không đồng ý đánh giá trồng cao su là mất kiểm soát, chúng ta phải theo cơ chế thị trường, phải đánh giá từ thực tiễn, theo quy luật của thị trường. Cao su là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Không thể vì một vài chỗ làm sai mà chúng ta đánh giá sai cả một chương trình.

Vượt quy hoạch có nhiều nguyên nhân. Quy hoạch là bước tổng quan, khó đảm bảo tất cả các luận cứ khoa học. Sau quy hoạch là các dự án, rồi còn có quy hoạch các cấp, quy hoạch ở địa phương. Riêng cao su, quy hoạch các địa phương cộng lại hơn 1 triệu hec-ta, hơn cả quy hoạch quốc gia.

Cấp quy hoạch quốc gia mang tính định hướng, nhưng tôi cũng đồng ý là quy hoạch phải sát hơn.

Vượt thêm nữa là cao su tiểu điền. Đây là do khâu vận động, khuyến cáo, hướng dẫn người dân, chính quyền còn có vấn đề. Dẫu vậy vẫn phải tôn trọng quy luật thị trường, chúng ta khuyến cáo, hướng dẫn nhưng dân chưa chắc đã nghe. Ví dụ họ vẫn trồng lại cao su ở các vùng thiệt hại sau bão dù có khuyến cáo rồi.

Tuy nhiên, có những dự án làm sai, có sai phạm thì phải xử lý. Thường xuyên kiểm tra, nếu thấy sai xử lý tiếp, rất cương quyết, không xử lý cho qua chuyện đâu.

PV: Chúng ta cũng có những bài học tương đối sâu sắc về mở rộng cà phê, xa hơn nữa là lúa gạo, tất nhiên là khi xây dựng đề án quy hoạch 800.000 ha đến năm 2015, Bộ NN&PTNT cũng đã tính đến nhiều yếu tố…nhưng nay đã là 912.000 ha, vậy liệu có sợ những nguy cơ, nhất là khi thị trường thế giới có dự báo cung vượt cầu và giá đang hạ thấp. Tức là câu chuyện cuối cùng là giá trị thì liệu có đảm bảo?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng là hiện nay giá các mặt hàng nông sản đang xuống thấp, trong đó có cao su, theo tôi bây giờ đang là thời điểm thấp nhất. Nhưng đó cũng là quy luật thị trường, quy luật hình sin, sẽ có lên, có xuống.

Tôi chưa đủ căn cứ để khẳng định cung vượt cầu, nhưng rõ ràng là giá đang xuống. Tôi cũng đang yêu cầu Tập đoàn cao su, các chuyên gia nghiên cứu kỹ chuyện này.

Tuy nhiên trên thị trường thế giới đang tương đối cân bằng, chưa có biểu hiện cung vượt cầu. Tất nhiên đang ở mức tiêu thụ bị sụt giảm.

Không phải cái gì cũng đổ lỗi cho khủng hoảng. Cao su chủ yếu xuất khẩu, tôi tin cao su sẽ phục hồi trong niên độ không dài; Cao su là ngành công nghiệp lớn, tất nhiên sản xuất khi khó khăn sẽ cầm chừng. Đây là những lưu ý để nghiên cứu thị trường sát hơn. Dự báo của chúng ta còn nhiều vấn đề, chưa thể đưa ra thật chính xác nếu không đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.

Để khẳng định một lần nữa có phát triển cao su hay không? Tôi khẳng định tiềm năng đất đai, đặc biệt khí hậu của Việt Nam rất có điểu kiện phát triển thêm nữa. Tuy nhiên, vấn đề là phải rà soát quy hoạch, cân đối nhiều yếu tố, nhất là thị trường để phát triển đến đâu.

Nếu phát triển cao su mà phải chuyển rừng tự nhiên nhiều như trước thì tôi tin là được hạn chế tối đa.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!