Trà Vinh: Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp

ThienNhien.Net – Qua khảo sát, tỷ lệ thất thoát ở các khâu trong và sau thu hoạch của người trồng lúa ở Trà Vinh hàng năm là không nhỏ. Để giải bài toán giảm thất thoát trong sản xuất lúa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã và đang thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp ở Trà Vinh.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ thất thoát do thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ lúa chưa đạt yêu cầu là 10,8% (140.000 tấn, tương đương khoảng hơn 400 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, việc chậm chuyển đổi cơ giới hóa, thiếu kho bảo quản sau thu hoạch khiến 90% số người dân bán lúa tại ruộng sau khi thu hoạch cũng làm thất thoát hàng nghìn tấn.

Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có 180 máy các loại, giải quyết được từ 10 – 15 % diện tích gieo trồng cả năm của tỉnh.
Chưa kể, việc gặt bằng thủ công phải sử dụng nhiều lao động, trong khi hiện có nhiều lao động nông thôn đã đi tìm việc ở thành thị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, các công đoạn gây thất thoát chủ yếu là: gặt, gom lúa chiếm 8,68%/năm/ba vụ; đập, tuốt lúa chiếm 6,73%; làm khô lúa chiếm 5,63%; tồn trữ chiếm 4,6%; vận chuyển chiếm 1,2%; xay xát chiếm 6,3%,…

Với thực trạng trên, việc đưa nhanh cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất lúa đồng bộ ở các khâu là nhu cầu cấp thiết. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp cho nông dân. Tỉnh hỗ trợ đầu tư 134 máy gặt đập liên hợp trong giai đoạn từ 2009 đến 2012.

Dự án cơ giới hóa nông nghiệp đã bước đầu triển khai đạt hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động, giảm lao động nặng nhọc cho nông dân, giảm thất thoát trong sản xuất lúa, giảm giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng sức cạnh tranh hàng hóa hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Thành tựu nổi bật nhất của sản xuất lúa ở Trà Vinh trong những năm qua là vượt chỉ tiêu hơn 1 triệu tấn lúa/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Mỗi năm cung ứng 600 nghìn tấn lúa hàng hóa trên thị trường.