Hướng tiếp cận mới cho quản lý chất thải đô thị

ThienNhien.Net – Sau 2 năm triển khai (2008-2010), kết quả nghiên cứu Dự án "Giải pháp thu gom và xử lý tổng hợp chất thải theo mô hình bán tập trung cho các đô thị Việt Nam", do Đại học Xây dựng và Đại học Kỹ thuật tổng hợp Darmstadt (Đức) đã được báo cáo tại hội thảo "Quản lý chất thải đô thị và tái sử dụng ở quy mô bán tập trung – Phương thức tiếp cận mới cho Hà Nội", ngày 22/11 vừa qua. Hội thảo do Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội) tổ chức.

GS.TS Peter Cornel – Đại học Kỹ thuật tổng hợp Darmstadt (Đức) cho biết: “Phương thức tiếp cận tổng hợp, bán tập trung cho phép tiết kiệm trên 30% nước lấy từ nguồn, khả thi về mặt kỹ thuật với các công nghệ đã được khẳng định, mở ra cơ hội thu hồi nhiệt và điện. p dụng vào thực tế, mô hình này lý tưởng cho các khu đô thị mới; có thể kết hợp với hệ thống hạ tầng hiện có, mô hình xử lý tập trung hay phân tán hoặc áp dụng từng bước nâng cao tính linh hoạt. Những lợi thế của mô hình là nhờ kết hợp các khu đô thị mới với khu đô thị cũ nên giữ gìn được cấu trúc lịch sử, nâng cao chất lượng hồ nội thành nhờ bùn bể tự hoại được hút thường xuyên và xử lý; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhờ ứng dụng các công nghệ mới. Chi phí vận hành và bảo dưỡng ít hơn nhờ bơm ít hơn, giảm chi phí sản xuất nước, vận chuyển và chôn lấp, tạo ra được một lượng phân hữu cơ vi sinh, vận hành trạm nhờ khí sinh ra phát điện.”

Phân tích về dòng vật chất, GS.Hans Reiner Boham, Đại học Kỹ thuật tổng hợp Darmstadt (Đức) cho rằng: “Đặc thù trong hạ tầng ở Hà Nội là các bể tự hoại, một phần bùn được hút và xử lý làm phân vi sinh, một lượng bùn vẫn được xả ra cống, kênh, mương, đất. Việc tổ chức lại các dòng vật chất là cần thiết bằng cách bố trí các trạm xử lý gần các khu dân cư hơn, quy hoạch các tuyến đường tiếp cận, vận chuyển dễ dàng nhất, hình thành công nghiệp chất thải rắn liên quan đến các dòng vật chất, phân loại rác tại nhà máy, vận chuyển thành phần vô cơ đến bãi chôn lấp, thành phần hữu cơ cao có thể được ủ kỵ khí rồi chôn lấp hoặc sử dụng làm phân bón cải tạo đất an toàn về mặt môi trường.”

Trong tương lai gần, hệ thống thoát nước ở các đô thị hiện có ở Việt Nam vẫn là hệ thống thoát nước chung, riêng hỗn hợp, bể tự hoại vẫn sẽ tồn tại và phát huy vai trò xử lý cục bộ, chất thải rắn chưa được thu gom 100% và chưa thể tổ chức phân loại tại nguồn một cách rộng rãi. Bên cạnh đó, những vấn đề quy hoạch phát triển đô thị vẫn sẽ còn phải điều chỉnh, thay đổi và việc thực thi quy hoạch, quản lí đô thị còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để tránh rủi ro cho giải pháp đề xuất của dự án, giải pháp kỹ thuật sẽ phải phù hợp, thích ứng với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

TS Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm dự án phía Việt Nam cho rằng: “Các kết quả bước đầu rất khả quan, cho thấy giải pháp xử lý kỵ khí kết hợp bùn và rác hữu cơ ở chế độ lên men nóng là một hướng đi có nhiều hứa hẹn để giải quyết vấn đề rác thải và bùn hiện nay ở các đô thị Việt Nam. Dự án hợp tác này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, chính quyền đô thị và doanh nghiệp những định hướng tổng hợp và các giải pháp cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, hướng tới các bước hợp tác triển khai áp dụng thực tế. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho các bộ, ngành liên quan, chính quyền đô thị và các doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực hạ tầng đô thị.”