Sẽ giảm bớt rườm rà trong quản lý an toàn thực phẩm

ThienNhien.Net – Sáng ngày 26/06/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) và Dự án Xây dựng và Kiểm soát Chất lượng Nông sản Thực phầm (FAPQDCP) tổ chức Diễn đàn Điều phối Thường niên về An toàn Thực phẩm năm 2012 với chủ đề “Xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn”.

Xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ “nông trại đến bàn ăn”  là giải pháp hiệu quả, bền vững, có tính quản lý tốt được áp dụng thành công ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới. Trên cơ sở chỉ đạo và mục tiêu của Chính phủ về An toàn Thực phẩm (ATTP) nói chung, diễn đàn tập trung thảo luận vào các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cũng như những khó khăn thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Các giải pháp được đưa ra như tăng cường về mặt chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương; tăng cường về chuyên môn kĩ thuật nhằm nâng cao năng lực quản lý , phân tích nguy cơ  ATTP,  kiểm tra ATTP; phát triển nguồn lực như tăng cường đào tào, tập huấn nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, người quản lý về chuỗi thực phẩm an toàn; đồng thời cũng cần rà soát bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về ATTP, các quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo

Tại diễn đàn, đại diện FAPQDCP giới thiệu về mô hình quản lý, kiểm soát ATTP theo chuỗi cung cấp thực phẩm với 4 ngành hàng: rau, trái cây, thịt lợn, thịt gà. Từ khi bắt đầu triển khai dự án 4/2008 đến nay đã và đang triển khai 14 mô hình về ngành hàng rau và trái cây, 3 mô hình về ngành hàng thịt lợn, 3 mô hình về ngành hàng thịt gà.

Nhiều ý kiến chia sẻ rằng việc rà soát, kiểm tra, quản lý rất khó khăn trong khi quản lý theo chuỗi các ngành hàng đòi hỏi phải sản xuất tập trung trên quy mô rộng. Đầu ra của các sản phẩm an toàn còn rất hạn chế vì chi phí cho việc kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn cao, đòi hỏi phải có những biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của thực phẩm an toàn dẫn đến thay đổi hành vi tiêu dùng, cũng như cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng trà trộn sản phẩm bên ngoài gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, khẳng định ATTP là vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bà cũng cho biết Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất ba Bộ (Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Y tế) tới đây sẽ họp bàn, xây dựng một thông tư liên tịch liên quan đến vấn đề ATTP, trong đó quy định rất chi tiết, cụ thể việc phân quyền quản lý theo nhóm sản phẩm nhằm giảm bớt tính phức tạp trong công tác quản lý. Với những khó khăn, thách thức trên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và nguồn lực toàn xã hội trong việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là rất cần thiết.