Lũ bùn ở Cao Bằng

ThienNhien.Net – Dù trời không đổ mưa nhưng cơn nước lũ bất ngờ mang theo bùn đất bất chợt kéo đến đã khiến hàng trăm người ở xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng chẳng kịp trở tay. Nhà cửa, vườn tược bỗng chốc ngập chìm trong bùn đỏ và nước. Cho đến nay, hậu quả của trận lũ bùn này vẫn chưa được khắc phục.


Hiểm họa từ cơn lũ bùn

Đêm 05/11/2010, một cơn lũ với với hàng ngàn mét khối bùn đất từ thượng nguồn bắt ngờ đổ xuống xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, tràn lấp cả dòng suối (nơi cung cấp nước cho sông Bằng), rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, nhưng rất may không có thiệt hại về người.

Nguyên nhân là do đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng thuộc Công ty Khoáng sản Luyện kim Cao Bằng (xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng) đã bị vỡ.

Ngay sau đó, người dân và chính quyền địa phương đã khẩn trương dùng mọi phương tiện để thoát nước và đưa số bùn đất ra khỏi nhà dân; đồng thời tiến hành thanh tra nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ vỡ đập trên.

Tuy nhiên, đến nay, , đường dân sinh dẫn vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất tiếp tục đùn lên tràn ngập khắp những cánh đồng lúa và hoa màu, vùi lấp nhiều giếng nước của người dân. Đáng lo ngại nhất là bùn thải công nghiệp này có thể chứa nhiều hóa chất độc hại, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đập ở Cao Bằng. Ngày 26/05/2006, đập chắn nước rửa quặng tại Lăng Hiếu, Trùng Khánh thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Khai khoáng và Công nghiệp Cao Bằng cũng đã bị vỡ làm bùn tràn khắp nơi, có vùng thậm chí bùn quặng phủ dày tới 30cm.

Chính quyền và người dân đang nỗ lực nạo vét bùn đất ra khỏi khu vực dân sinh. Song với khối lượng bùn đỏ tràn ngập như hiện nay thì không ai có thể nạo vét hết trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, những dòng bùn thải công nghiệp này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người dân cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Nguyên nhân sâu xa và lời cảnh báo

Ngày 07/11, khi hậu quả của cơn lũ bùn vẫn chưa được khắc phục, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng; đống thời yêu cầu xí nghiệp này phải làm ngay cầu tạm để tránh tình trạng tắc đường và dừng ngay việc bơm nước đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay.

Cùng ngày, trong buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng đã thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng. Nhưng nguồn tin từ các công nhân của Xí nghiệp lại cho rằng, do có việc xả thải ngầm từ cống lớn dưới đáy đập nên đã dẫn đến tình trạng trên.

Thông tin này trùng khớp với thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2008, Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng từng bị phạt 70 triệu đồng do xả thải trộm.

Mặt khác, theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây, từ khi Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng hoạt động, dòng suối nơi đây vốn trong xanh, bỗng trở nên đỏ quạch, tôm cá chết sạch và không thể dùng làm nước sinh hoạt. Đáng nói hơn, con suối này còn chảy ra sông Bằng – nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều cư dân ven sông.

Thêm nữa, con đập này do xí nghiệp tự ý xây dựng và hoàn toàn không nằm trong phần đất được cấp. Khi xây đập, xí nghiệp cũng không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động đến môi trường.

Điều này cho thấy, đập chứa nước thải tuyển rửa quặng của Xí nghiệp Khai thác Quặng sắt Nà Lũng đã được xây dựng thiếu an toàn, cộng với sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo xí nghiệp cùng việc quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền là nguyên nhân sâu xa cho vụ việc đáng nhẽ không nên có này.

Đáng buồn hơn, khi thiết kế hồ chứa chất thải Nà Lùng, có lẽ nhiều vị quan chức cũng tự tin rằng nó an toàn tuyệt đối về mặt … lý thuyết. Và khi sự cố xảy ra, người ta lại khắc phục bằng cách xúc bùn để đổ vào các con suối – gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái xung quanh.

Bởi vậy, dù hồ bùn thải ở Nà Lùng có quy mô nhỏ, tính độc hại ít hơn nhiều so với hồ bùn đỏ Tây Nguyên, nhưng với cách quản lý và cách khắc phục thiếu tính toán như trên đáng là một tiếng chuông cảnh báo cho những dự án bô-xít đang triển khai tại Tây Nguyên.