Đa dạng khu hệ cá sông Ba

ThienNhien.Net – Là dòng sông lớn nhất Nam Trung Bộ, sông Ba không chỉ nổi tiếng với tiềm năng năng lượng khi có đến 3 thủy điện lớn đó là các công trình Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông Hnăng trên dòng chảy mà còn là một trong những dòng sông có giá trị cao về mặt đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài cá.


Sông Ba có chiều dài 388km, diện tích lưu vực là 13.800 km2, bắt nguồn từ sườn núi Kon Plông (cao 1.376m) và Kon Ka Kinh (cao 1.761m) của tỉnh Kon Tum, sau đó chảy qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, đến địa phận tỉnh Phú Yên thì đổ qua cửa Đà Giang ra biển Đông.

Sông Ba có 182 loài cá thuộc 111 giống, 55 họ và 15 bộ khác nhau. Trong đó, bộ cá chép (Cypriniformes) ưu thế nhất với 66 loài chiếm 36,26% trong tổng số 182 loài thuộc 3 họ và 30 giống. Tiếp đến là bộ cá vược (Perciformes) với 54 loài chiếm 29,67%. Ngoài ra còn một số bộ có giá trị kinh tế khác như bộ cá nheo, cá chình…

Khu hệ cá sông Ba hiện có 11 loài các có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), đó là: Cá trốc; cá chình mun; các chình hoa, cá chình nhọn; cá mòi cờ hoa; cá mòi cờ chấm; cá mòi mõm tròn; cá duồng; cá măng sữa, cá cháo biển; cá cháo lớn. Trong đó, cá mòi cờ hoa là loài đang ở mức nguy cấp, cần được bảo vệ đặc biệt,10 loài còn lại ở mức sắp nguy cấp.

Khu hệ cá sông Ba có 2 loài đặc hữu miền Trung là cá dầy (Cyprinus centralus) và cá mương (Emiculter krempfi). Số lượng hai loài cá này hiện còn rất ít do bị đánh bắt quá mức, cũng như môi trường sống có nhiều tác động xấu, như ô nhiễm môi trường nước…

Thành phần loài cá của sông Ba có 38 loài chung với khu hệ cá nước ngọt miền Bắc, 63 loài chung với khu hệ cá nước ngọt miền Nam và có 82 loài chung với khu hệ cá ở trung – hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra, trong thành phần khu hệ cá sông Ba còn có nhiều loài phân bố ở phân vùng Bắc Việt Nam – Hoa Nam và phân vùng Ấn Độ – Mã Lai.

Là một dòng sông lớn của miền Trung với tính đa dạng sinh học cao, sông Ba rất cần được sự chung tay bảo vệ của các cấp, ngành, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà trên dòng sông này, hàng loạt đập thủy lợi, thủy điện đã được xây dựng cũng như các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông gây ô nhiễm nguồn nước, tác động không nhỏ đến điều kiện tự nhiên của dòng sông.