Nên đưa tre, cọ vào các dự án CDM lâm nghiệp?

ThienNhien.Net – Tre là loại cây có khả năng hấp thụ các-bon như bao loại cây khác, thậm chí, một vài loài trong số chúng còn có thể cô lập CO2 nhanh hơn. Tuy nhiên, do bị các nhà phân loại học xếp vào nhóm thân thảo, nên việc lựa chọn tre cho các dự án CDM còn khá dè dặt. Ngay cả khi quan điểm này đã dịu đi trong vòng một năm trở lại đây thì tre vẫn chỉ được chấp thuận về mặt “nguyên tắc”. Cả tre và các cây họ cọ đều chỉ được dùng trong các dự án trồng rừng và tái trồng rừng, và đối với các dự án CDM, chúng vẫn còn là sự lựa chọn bỏ ngỏ.


Lợi ích thiết thực

Tre bao phủ gần 37 triệu hecta, chỉ chiếm khoảng 1% diện tích rừng trên toàn thế giới. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng sự xuất hiện của chúng không quá quan trọng như các loại cây rừng. Nhưng trên thực tế, tre thực sự là một loài cây rừng có tầm quan trọng đặc biệt đối với con người.

Xét trên phạm vi toàn cầu, rừng thuộc sở hữu Nhà nước chiếm tới hơn 85% và có đến hơn 95% rừng nằm ở châu Á và châu Phi, nhưng lại có hơn 2/3 diện tích rừng tre thuộc sở hữu tư nhân. Việc quản lý tre tập trung trong phạm vi tư nhân chứng tỏ loại cây này rất có giá trị đối với con người, mang đến tất cả những gì con người cần, từ thức ăn, nhiên liệu đến vật dụng làm nhà, kho chứa và đồ nội thất.

Tre có một vài đặc điểm rất đặc biệt, khiến chúng khác hẳn so với những loại cây thông thường. Một trong số đó là các thân khí sinh/cụm (culm) của hầu hết các loài tre sẽ ngừng tăng thể tích sinh khối sau 5 năm đầu tiên, chúng chỉ cứng lại và trở nên khô hơn trước khi chúng chết và phân rã trong vòng từ 8 đến 10 năm. Thân rễ tre tiếp tục phát triển bằng việc mọc thêm các cụm tre non mỗi năm và những cụm tre tốt tươi từ năm trước có thể cho thu hoạch nhằm cung cấp ổn định nguồn sinh khối cho người trồng. Nếu không có mô hình quản lí và thu hoạch này, các cụm tre sẽ trở nên đông đúc và có xu hướng thoái hóa sau một thời gian.

Sự can thiệp của con người với phương pháp thích hợp khiến việc thu hoạch tre trở nên bền vững trong một thời gian dài – điều hiếm khi đạt được ở những loại cây khác. Nguồn thu nhập ổn định từ tre cũng giúp loài cây này trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều chủ đất nhỏ.

Thậm chí, khi đã “cung cấp” các cụm tre qua rất nhiều năm thì rễ tre vẫn tiếp tục phát triển. Ưu điểm này giúp tre nâng cao sinh khối dưới mặt đất và độ tơi xốp của đất, làm tăng tính thoáng khí, khả năng thẩm thấu, điều hòa độ ẩm cũng như tính đa dạng sinh học của đất. Đây là lí do dẫn tới sự gia tăng nhanh hơn lượng sinh khối dưới mặt đất và các- bon hữu cơ có trong đất, thúc đẩy đáng kể việc giảm nhẹ các tác động biến đổi khí hậu.

Tre là một trong nhiều loại cây phát triển nhanh và năng suất nhất hành tinh. Nhiều loài tre có chỉ số sinh khối cao hơn nhiều so với hầu hết các loài cây khác, bao gồm cả các cây lấy gỗ quan trọng như tếch, và chúng có khả năng cô lập các-bon cao hơn đáng kể khi qua một chu kỳ luân canh. Ngay cả khi những cụm tre bên trên được thu hoạch, lượng sinh khối dưới đất vẫn tiếp tục phát triển với sự lan rộng của rễ tre.

Theo Mạng lưới Mây tre Quốc tế (INBAR), năng lượng sinh khối và sản phẩm các-bon từ tre có thể cao hơn các loài cây thân gỗ khác từ 7% đến 30%. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi năng suất trên mặt đất của tre đạt từ 20 – 40 tấn/hecta mỗi năm. Báo cáo của INBAR cũng cho biết, sinh khối trung bình của tre Bambusa trưởng thành 6 năm tuổi đạt 149 tấn các – bon/hecta so với việc trồng tếch trung bình 40 năm tuổi chỉ đạt 126 tấn các-bon/hecta, đặc biệt giống tre trúc Moso cận nhiệt đới có khả năng cô lập 43 tấn các-bon/hecta sau 5 năm thu hoạch, cao gấp đôi so với cây tếch khi được trồng trong cùng một điều kiện.

Cùng chung “số phận” với tre, các loài cây họ cọ cũng không được xem là sự lựa chọn “sáng giá” cho các dự án CDM.

Trên thế giới hiện có hàng trăm loại cọ khác nhau nhưng chỉ có 4 loài cọ chính được quan tâm nhất, bao gồm cọ dừa (Cocos nucifera), xuất hiện ở những vùng ven biển có lượng mưa lớn và ở các vùng nhiệt đới châu Á; cọ dầu (Elaeis oleifera and E. guineensis) thường có ở các khu vực gần đường xích đạo như Indonexia và Malaysia; cây thốt nốt (Borassus flabellifer) có mặt các vùng đất khô nhiệt đới Nam Á và cây chà là (Phoenix dactylifera) phân bố chủ yếu ở vùng Trung Đông.

Các loại cọ này đều đa dạng về giá trị sử dụng và là nguồn thực phẩm có giá trị cao. Trong đó, dừa và cọ dầu phát triển tương đối nhanh, trong khi thốt nốt và chà là lại phát triển chậm. Cọ dừa phát triển rất tốt trong các vùng đất ngập mặn ven biển, trong khi thốt nốt và chà là lại có khả năng phát triển trong những vùng đất nghèo dinh dưỡng, lượng mưa thấp và nhiệt độ cao. Các loại cây này đều được trồng rộng rãi ở cả các nông trang lớn hoặc nhỏ.

Giống như tre, cây dừa, cọ dầu, thốt nốt, chà là là những loại cây tuyệt vời cho việc phát triển các mô hình nông lâm kết hợp. Với giá trị sử dụng đa dạng, cộng với việc phổ biến cách trồng và quản lí khá giản đơn nên những loại cây này thích hợp ngay cả với những người trồng nhỏ lẻ. Việc tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm từ chúng cũng không quá khó khăn.

Ngoài ra, cũng giống như tre, họ nhà cọ cũng có những giá trị nhất định về mặt lương thực, đặc biệt là một vài loại cọ như dừa và chà là. Nếu được đưa vào các dự án CDM(1), tre và cọ sẽ giúp thực hiện mục tiêu giảm lượng các-bon, đồng thời trực tiếp nâng cao an ninh lương thực, khác hẳn với những dự án A/R-CDM(2) khác – hiếm khi đặt ra được yêu cầu không tác động bất lợi đến an ninh lương thực.

… nhưng không được ưa chuộng?

Đến nay, mới chỉ có Philipin, Lào và Campuchia công khai chính kiến với Ban điều hành CDM về việc chọn hay không chọn tre và cọ. Philipine thì quyết định dùng cả tre lẫn cọ, Campuchia thì chỉ chọn tre, trong khi Lào không muốn gộp tre và cọ vào nhóm cây lâm nghiệp. Câu hỏi đặt ra là nếu cọ và tre quả thực là các “ứng cử viên nặng kí” để đưa vào các dự án thì tại sao các loại cây này lại không được lựa chọn ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Philipin và Campuchia.

Lý do có thể lý giải cho điều này là hiện nay có quá ít các dự án lâm nghiệp, và khả năng thực hiện các dự án trong tương lai cũng không nhiều. Đặc biệt, không nước nào thực sự quan tâm đến việc tre và cọ có nên được đưa vào danh sách các cây lâm nghiệp hay không, dù trên thực tế ở hầu hết các nước, nhiều loài cọ và tre vẫn phát triển trong phạm vi diện tích rừng nhất định và có thể dễ dàng được chấp nhận như những cây rừng. Nhưng một khi nhu cầu tăng cao – thường xảy ra khi các dự án CDM lâm nghiệp trở nên khả thi và dễ chấp thuận hơn, sẽ không còn nghi ngờ gì về việc các quốc gia sẽ đưa tre và cọ vào nhóm các cây lâm nghiệp.

Thêm một lí do khiến các quốc gia nghi ngại là nếu tre và cọ được coi như các cây rừng khác thì các vùng đất dưới tre và cọ có mật độ che phủ vượt mức quy định đối với rừng sẽ không đủ điều kiện để thực hiện dự án A/R-CDM.

Cũng có mối e ngại rằng, nếu các cây cọ dầu được xem như những cây rừng, phục vụ cho mục đích của các dự án CDM thì các rừng mưa sẽ biến mất vì các khu đất trồng dầu cọ thực sự rất thu hút về mặt kinh tế, nó dễ dẫn đến sự tàn phá diện tích nhất định của rừng mưa. Mặc dù rên thực tế, nếu được quản lý tốt điều này không thể xảy ra, vì những yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học của các dự án CDM vốn rất nghiêm ngặt, và các hoạt động phá hủy sự đa dạng sinh học tự nhiên không bao giờ được công nhận để thu tín dụng các-bon.

Theo ông Promode Kant, Giám đốc Viện Kinh tế xanh (Institute of Green Economy – IGREC), Ấn Độ, tre và cọ là hai loại cây rất xứng đáng được đưa vào sử dụng trong các dự án CDM lâm nghiệp vì:

– Chúng là bộ phận không thể thiếu của những khu rừng ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc. Tại Ấn Độ, sự thừa nhận này còn có giá trị pháp lí vì được quy định cụ thể trong Luật lâm nghiệp.

– Tre lưu trữ được lượng các-bon đáng kể so với hầu hết các loài có năng suất cao khác, chúng thường được dùng trong các sản phẩm bền, có thể giữ được lượng các-bon trong khí quyển trong một thời gian dài.

– Cả tre và cọ đều có giá trị lương thực quan trọng, đặc biệt chúng rất có nhiều tiềm năng trong việc thực hiện các dự án CDM, nhằm nâng cao an ninh lương thực – điều mà các cây lâm nghiệp không thể làm được.

– Các cây họ cọ cũng như các cây thốt nốt và chà là có thể lưu trữ CO2 trên cả những mảnh đất hầu như không nuôi dưỡng được loài thân gỗ, vì vậy, chúng cung cấp loài cây phù hợp nhất cho dự án A/R-CDM ở những vùng đất khô cằn.

– Cây dừa có thể cô lập CO2 trên các vùng đất mặn ven biển, nơi thường tiếp xúc mạnh với gió biển. Tính chất này đã hạn chế nhóm thực vật thân gỗ phát triển. Do đó, dừa là một trong những cây phù hợp nhất cho dự án A/R-CDM ở vùng này.

– Tre và các cây họ cọ mở ra nhiều cơ hội cho các dự án CDM, cho những hộ nông dân nhỏ lẻ, trong đó, các chủ trang trại không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhà nông mà còn góp phần cung cấp dịch vụ các-bon cho toàn cầu.

– Do các quần thể tre có tính đồng nhất cao nên việc đánh giá sinh khối tre và cọ tương đối dễ dàng, chi phí thấp hơn so với các loài cây nhiệt đới khác. Điều này giúp làm giảm chi phí giao dịch trong các dự án các-bon dựa trên hai loại cây này.

– Khi dự án Giảm khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD) ra đời thì việc các quốc gia xem xét tre và cọ như những cây lâm nghiệp sẽ là một lợi thế vì khi đó, các vùng đất trồng tre và cọ sẽ được công nhận như rừng và trở thành một phần của REDD.


(1): Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM)
(2): Trồng rừng/ Tái trồng rừng theo Cơ chế phát triển sạch (Afforestation/reforestation Clean Development Mechanism – A/R-CDM)