Công bố hai loài ve sầu mới ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế vừa công bố thêm hai loài ve sầu mới phát hiện ở Việt Nam. Trong đó, có một loài ve sầu thuộc họ Cicadidae, đặt tên là <i>Euterpnosia cucphuongensis</i>, và một loài ve sầu đầu dài thuộc họ Fulgoridae, có tên là <i>Polydictya vietnamica</i>.


Loài Euterpnosia cucphuongensis có chiều dài cơ thể 29,8-30,2mm; cánh trước dài 27,0-27,5mm, rộng 9,5-9,8. Đầu gồm mắt kép rộng bằng gốc mesonotum, vertex màu vàng đất; ngực màu nâu tối; cánh trước và cánh sau trong suốt; chân màu vàng đất; bụng dài bằng 1,7-1,9 lần chiều dài của đầu và ngực cộng lại; operculum nhỏ, ngắn, nằm ngang, không đạt đến đốt bụng thứ 2 và tách rời nhau, màu vàng đất với một viền màu đen ở mép.

Mẫu chuẩn của loài Euterpnosi cucphuongensis Pham et al., 2010 được thu tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, nên còn được gọi là ve sầu Cúc Phương.

Còn loài Polydictya vietnamica Constant & Pham, 2008 thì mẫu chuẩn được thu tại Húc Nghì, Đak Rông, Quảng Trị, có tên là ve sầu Việt Nam.


Ve sầu Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hồng Thái)

Loài này có chiều dài của thân 38mm; đầu, pronotum, bụng màu đỏ gạch, mesonotum màu nâu sẫm. Cánh trước phần ngọn cánh màu hung vàng, nửa gốc cánh trước có các hàng đốm tứ giác màu nâu chạy theo các gân dọc; cánh sau phần gốc màu đỏ gạch, phần ngọn màu hung vàng. Các đốt ống và đốt đùi màu đỏ gạch. Đốt ống chân sau có 6 gai. Vòi vượt quá đốt gốc chân sau.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều loài côn trùng mới được phát hiện ở nước ta, đã cho thấy Việt Nam là vùng đất còn rất nhiều loài chưa được nghiên cứu và công bố. Đây chính là một yếu tố rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam