Lựa chọn chính sách trong quản trị tài nguyên khoáng sản

ThienNhien.Net – Nếu quản lý tốt, khai thác khoáng sản có thể mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Ngược lại, khi quản lý kém, khoáng sản lại là lĩnh vực gây ra nhiều hệ lụy như thất thu ngân sách, tham nhũng, đói nghèo, xung đột và bất ổn xã hội. Xuất phát từ nhận định đó, hôm nay, ngày 14/10/2010, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển (CODE) tổ chức hội thảo “Lựa chọn chính sách trong quản trị tài nguyên khoáng sản”.


Hội thảo được tổ chức tại Ba Vì với sự tham gia của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Lê Quốc Dung, Ts. Lại Hồng Thanh-Phó chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên Môi trường, Ts. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, Ts. Lê Ái Thụ – Hội Kinh tế Địa chất Việt Nam, đại diện Văn phòng Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai… cùng nhiều chuyên gia trong ngành khai khoáng từ Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Tuyển khoáng Việt Nam, các trường đại học và phóng viên của nhiều báo đài trung ương…

Thông qua các vấn đề bàn luận tại hội thảo, Ban tố chức mong muốn đưa ra được một góc nhìn, cách tiếp cận mới trong việc lựa chọn chính sách trong quản trị tài nguyên nước nhà vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Hội thảo sẽ bàn luận và đánh giá về vai trò của khai thác khoáng sản trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam cũng như hiện trạng thực hiện hoàn thổ và phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác mỏ trong bối cảnh luật khoáng sản sửa đổi bổ sung năm 2005 đã trải qua 5 năm thực thi; những vấn đề khác như Quốc hữu hoá tài nguyên khoáng sản và quyền khai thác khoáng sản, sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác tài nguyên mà các nước tiên tiến trên thế giới đã triển khai… cũng được các chuyên gia phân tích, bàn luận tại hội thảo.

Đặc biệt, hội thảo sẽ trao đổi và bàn luận về lợi ích và rủi ro của các cách tiếp cận trong chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản nhằm hướng đến tính minh bạch và hiệu quả về kinh tế-xã hội-môi trường trong bối cảnh của Việt Nam, đồng thời góp ý và khuyến nghị cho Luật khoáng sản (sửa đổi) đang được Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua trong năm 2010.