Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý Luật Khoáng sản

ThienNhien.Net – Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 01/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).


Tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung vào các vấn đề về đấu giá, chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản và quy hoạch khoáng sản.

Nhiều ý kiến đề nghị nên quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản bởi mục đích đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản là để xóa bỏ tình trạng xin-cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư và để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án.

Do đó, đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những tiêu cực hiện nay.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tổ chức đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản; quy định rõ phương án xử lý trong trường hợp sau khi thực hiện xong quyền đấu giá nếu trữ lượng của mỏ không đúng như thông tin khi đấu giá….

Bên cạnh đó, một vài ủy viên cho rằng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chỉ được chuyển nhượng quyền khai thác khi dự án đã được triển khai ở giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và bắt đầu khai thác khoáng sản nhằm hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, cần có những tiêu chí cụ thể mới được phép chuyển nhượng. “Tôi cũng tán thành là phải siết chặt chuyển nhượng. Phải có tiêu chí là đang khai thác nhưng do bất khả kháng do lý do nào đó hoặc không tiếp tục đầu tư thì lúc bấy giờ mới cho chuyển nhượng. Bởi vì hoạt động khoáng sản là hoạt động cần rất nhiều vốn và trình độ kỹ thuật rất cao”.

Riêng về nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản và quy hoạch khoáng sản, đa số các ủy viên UBTVQH tán thành với quy định chặt chẽ của vấn đề này, nhằm khắc phục thất thoát nguồn thu từ hoạt động khoáng sản hiện nay. Đồng thời, đề nghị quy định thu một khoản tiền khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, kể cả đối với các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép trước ngày Luật này có hiệu lực.

Còn về việc xác định mức thu, nhiều ý kiến đề nghị cần căn cứ vào trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác khoáng sản.

Theo dự kiến, Luật Khoáng sản sẽ được trình ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào cuối tháng 10 tới đây, và có thể Luật sẽ được thông qua ngay trong kỳ họp này. Hiệu lực thi hành của Luật được cơ quan soạn thảo đề xuất là từ 01/07/2011.