Kháng sinh từ da ếch chống lại siêu vi khuẩn

ThienNhien.Net – Loại kháng sinh từ da ếch giúp loài động vật này có khả năng đánh bại các mầm bệnh có thể giúp tạo nên các loại kháng sinh mới chống lại các siêu vi khuẩn kháng thuốc. Điều này đã được các nhà khoa học khẳng định trong một nghiên cứu mới đây.


Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà hóa sinh của tiểu vương quốc Ả Rập Abu Dhabi phát biểu tại Hội nghị quốc gia của Hội hóa học Mỹ tại Boston cho biết, khoảng 200 hợp chất đã được xác định có trong chất bài tiết từ da ếch và một số chất trong số này có thể phát triển thành chất kháng sinh mới.

Phòng thí nghiệm của Michael Conlon đã tập trung nghiên cứu loài ếch châu Phi và đã khám phá ra số lượng lớn các chuỗi axit amin tạo thành kháng sinh diệt vi khuẩn trên da ếch, giúp loài động vật này chống lại mầm bệnh. Nhưng vấn đề là rất nhiều chuỗi axit amin trong chất tiết ra từ da ếch cũng có độc với con người. Vì vậy, Conlon và nhóm của ông đã ngắt những cấu trúc của chuỗi phân tử axit amin có thể tiêu diệt vi khuẩn mà ít gây độc cho bệnh nhân.

Kết quả thí nghiệm của Conlon cho thấy, các chuỗi axit amin này đã giết được một số vi khuẩn kháng kháng sinh. Một vài loại trong số này sẽ được thử nghiệm trong vòng 5 năm trước khi sử dụng để điều trị rộng rãi cho bệnh nhân.

Theo John Ward – nhà sinh học phân tử đến từ Đại học London, một số chất kháng sinh đã được tìm thấy sau những nghiên cứu trong lĩnh vực này từ những năm 1987, nhưng nhóm của Conlon đã có những phát hiện đặc biệt hữu ích.

Tuy nhiên, theo Tim Walsh, nhà nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc, Đại học Cardiff, cần nghiên cứu sâu hơn để chắc chắn rằng các chuỗi phân tử axit amin này có hiệu quả chống lại các vi khuẩn kháng kháng sinh như MRSA.

Nhưng trước mắt, các nhà khoa học sẽ phải hành động nhanh chóng để chống lại sự suy giảm của đa dạng sinh học, vì khoảng hơn 6000 loài ếch hiện nay đang dần biến mất với tốc độ đáng lo ngại.