Nuôi rắn ri tượng phát triển kinh tế gia đình

ThienNhien.Net – Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi do tỉnh Cà Mau phát động, trong những năm qua, nhiều nông dân tại các huyện Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời và TP Cà Mau đã tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển mạnh các mô hình đa cây đa con kết hợp. Trong đó, nuôi rắn ri tượng là mô hình bước đầu được bà con nông dân đón nhận để phát triển kinh tế gia đình hiện nay.


Một số nông dân ở huyện Thới Bình cho biết, rắn ri tượng là loài có giá trị kinh tế cao, nuôi không khó, cũng không cần tốn nhiều công chăm sóc, khoảng hai tuần thay nước một lần, thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái hoặc cá phi loại nhỏ có sẵn trong vuông tôm, thậm chí có thể tận dụng thức ăn thừa tại chỗ cho rắn để giảm ô nhiễm.

Hơn nữa, mô hình này không chiếm nhiều diện tích nuôi, vốn đầu tư không cao, rất phù hợp với những nông dân ít vốn, không đất sản xuất. Sau khi nuôi một lứa, người dân có thể chọn rắn giống để nuôi vụ tiếp theo. Bình quân 3 – 4 kg thức ăn rắn tăng trọng 1 kg.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, người nuôi rắn ri tượng cần theo dõi hoạt động bắt mồi của rắn, cung cấp đầy đủ thức ăn, loại bỏ những thức ăn thừa ra khỏi bể, thay nguồn nước sạch để tạo môi trường sống tốt cho rắn, sẽ là biện pháp phòng ngừa bệnh cho rắn nuôi, vì việc chữa trị bệnh cho rắn rất khó khăn và kém hiệu quả.

Chăm sóc tốt, sau 7 tháng nuôi rắn sẽ đạt trọng lượng 1,2 – 1,5 kg/con, lúc này có thể thu hoạch. Khi thu hoạch, rắn cái để lại, tiếp tục gây giống để nuôi vụ tiếp theo.

Với hiệu quả bước đầu mang lại, nhiều người dân tỉnh bắt đầu nuôi rắn ri tượng theo kinh nghiệm truyền miệng. Tuy nhiên, đây còn là mô hình mới nên cần được ngành chức năng nghiên cứu và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để phổ biến rộng rãi, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, thay thế những mô hình kém hiệu quả.