Khẩn cấp ứng phó đại hạn

ThienNhien.Net – Ngay từ những tháng đầu năm 2014, thời tiết đã được Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn trung ương và Bộ NN-PTNT nhận định sẽ có nhiều diễn biến bất thường, mà trước mắt là tình hình khô hạn nặng. Cụ thể ra sao và cách ứng phó như thế nào để chống hạn hán, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề nóng bỏng này.

– Thưa ông, mới đây Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn trung ương đã phát đi bản tin cảnh báo về tình hình khô hạn nặng ở nhiều khu vực trong cả nước, ông thấy khô hạn đã bắt đầu gây ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất nông nghiệp?

Ông Đặng Duy Hiển: Khô hạn đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con. Ở miền Bắc, các tỉnh như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… người dân đang rất khổ vì thiếu nước, phải đi xa hàng cây số mới tìm được nguồn nước. Ngay quanh Hà Nội, nhiều nơi bà con cũng phải khơi đào thêm giếng để có đủ nước sử dụng. Còn tại khu vực Tây Nguyên, đã có hàng ngàn hécta lúa nước và cà phê, hồ tiêu, cao su bị khô hạn. Những diện tích nằm ngoài quy hoạch đều thiệt hại nặng do thiếu nguồn nước tưới.

– Hiện tại, các hồ chứa trong cả nước thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Duy Hiển: Các hồ chứa đều không đủ dung tích nước thiết kế trong khi vẫn đang phải duy trì hoạt động sản xuất điện. Tại khu vực Bắc Trung bộ, hầu như các hồ thủy lợi chỉ đạt 81% – 90% dung tích thiết kế (riêng hồ Cửa Đạt chỉ đạt 41%). Tại Trung Trung bộ chỉ đạt 82% – 93%, còn Nam Trung bộ 67% – 85%. Có những nơi, mực nước hồ chứa đã xuống rất thấp, như tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ còn 30% – 50%. Các khu vực khác, mực nước hồ chứa cũng chỉ đạt 64% – 88% như ở Tây Nguyên và Nam bộ là 57% – 78%.

Hiện tại, mực nước chứa của phần lớn các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đều thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 – 4m. Trong đó, các hồ thủy điện như Sông Tranh 2 thấp hơn tới 11,02m hoặc Buôn Tua Srah thấp hơn 9,7m.

Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature
Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature

– Khi mùa khô đến, nguồn nước luôn là vấn đề đặt ra cho các công trình thủy điện và hồ chứa nước lẫn người nông dân – chính quyền địa phương. Vậy theo ông, làm cách nào để khắc phục những mâu thuẫn và bất cập về nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi và thủy điện?

Ông Đặng Duy Hiển: Ở miền Bắc, tình trạng khô hạn vẫn thường xảy ra từ nhiều năm nay và chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, đây là những nơi không chịu ảnh hưởng nhiều của các công trình thủy điện. Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng sông Hồng – 1 trong 2 vựa lúa chính của cả nước, do thực hiện khá tốt cơ chế điều tiết, xả nước thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp nên hầu như rất ít nơi bị khô hạn. Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp ổn định, từ đầu năm 2014 các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã tập trung xả 5 tỷ m³ nước về hạ du. Từ nhiều năm nay, tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thiết kế và tổ chức lịch xả nước rất bài bản và chặt chẽ. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ chủ động nạo vét, sửa chữa công trình thủy lợi và huy động bà con tập trung khai thác, vừa tiết kiệm được nguồn nước lại đảm bảo cho lịch trồng trọt. 12 năm nay, quy trình đều vận hành trơn tru, hoàn hảo.

– Nhưng hiện nay, nan giải nhất vẫn là khu vực miền Trung, nơi tập trung mật độ dày các công trình thủy điện, trong khi độ dốc dòng chảy lại lớn?

Ông Đặng Duy Hiển: Đúng vậy. Ở khu vực miền Trung chỉ cần các hồ chứa triển khai tích nước là hạ du hạn hán ngay. Và cũng từ nhiều năm nay, câu chuyện giữa lợi ích của thủy điện và người nông dân đã được nêu ra, tranh luận rất nhiều. Thật ra đặc thù ở miền Trung cũng không khác gì miền Bắc và có thể áp dụng chung một mô hình, nhưng cách triển khai và tuân thủ rất mờ nhạt. Để dần khắc phục những bất cập về nguồn nước như hiện nay, Bộ NN-PTNT đã tính đến việc áp dụng mô hình tích và xả nước cứu sản xuất cho hạ du theo từng đợt như đang triển khai ở miền Bắc. Đồng thời để làm được điều này, sẽ có mô hình vận hành liên hồ chứa cho các công trình thủy điện và thủy lợi ở miền Trung, Tây Nguyên một cách khoa học. Bắt buộc các chủ công trình thủy điện phải chấp hành nghiêm chỉnh việc tích – xả nước, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như nhu cầu nguồn nước sinh hoạt cho bà con ở hạ du. Trong những trường hợp cụ thể, sẽ yêu cầu các công trình thủy điện và thủy lợi tăng cường xả nước phát điện để tăng cường nguồn nước cho mục tiêu chống hạn.

Hiện Chính phủ cũng đã chỉ đạo giao cho Tổng cục Thủy lợi phối hợp EVN xây dựng lịch xả nước thống nhất cho khu vực miền Trung như miền Bắc. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương phải thay đổi tập quán và lịch gieo trồng, bỏ ngay tình trạng cùng một dòng sông nhưng mỗi địa phương lại có lịch gieo cấy lúa khác nhau, dẫn tới lãng phí và thiếu hụt nguồn nước.

– Đó là giải pháp “giải cứu” từ các công trình thủy điện, còn cách nào để chủ động chống hạn hán, thưa ông?

Ông Đặng Duy Hiển: Để chủ động đảm bảo duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định để ổn định an ninh lương thực và đời sống bà con, Bộ NN-PTNT đều chủ động triển khai các giải pháp tổng thể chống hạn và chống lũ ngay từ đầu năm. Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương đã tổ chức kiểm kê quỹ nước hiện có để bố trí sản xuất. Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất lúa, không gieo trồng ngoài quy hoạch vùng thủy lợi dẫn tới thiệt hại nặng khi hạn hán xảy ra. Đối với các khu vực đang có nguy cơ hạn nặng, các địa phương phải có kế hoạch chuyển đổi sang những loại cây trồng chịu hạn.

Ngoài ra, triển khai đồng loạt các giải pháp như xây dựng công trình thủy lợi, luân phiên cấp nước, lắp đặt hệ thống trạm bơm dã chiến. Tại khu vực miền Trung, nơi thường chịu hạn nặng nhất so với miền Nam, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh nên ưu tiên nước cho sinh hoạt, vận chuyển nước đến những khu vực đang bị khát nước. Hiện nay, khó khăn nhất vẫn là kinh phí chống hạn. Bộ NN-PTNT đã đề nghị các tỉnh rà soát và có báo cáo cụ thể để bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bằng nguồn ngân sách.

– Xin cảm ơn ông!

Càng vào phía Nam, khô hạn càng nghiêm trọngTheo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn trung ương Lê Thanh Hải cho biết, từ tháng 1 đến giữa tháng 3-2014, dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên đều bị hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Các sông lớn ở Bắc Trung bộ như sông Cả, sông Mã đều xuống thấp. Cũng do dòng chảy sụt giảm bất thường nên hiện nay không chỉ ở ĐBSCL mà cả khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ cũng xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn sâu từ biển vào đất liền. Các tỉnh Trung Trung bộ, dòng chảy vùng thượng nguồn các sông cũng chỉ còn đạt trung bình 10% – 50% so với TBNN. Trên sông Trà Khúc đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc vào đầu tháng 3. Càng vào khu vực phía Nam, tình hình khô hạn càng nghiêm trọng. Trên các sông ở Nam Trung bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận), các dòng chảy đang thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng 30% – 85%. Các dòng sông như sông Cái – Nha Trang, sông La Ngà đều bị cạn ở mức kỷ lục từ trước tới nay.

Sở dĩ khô hạn nặng là do từ đầu tháng 12-2013 đến 10 ngày đầu tháng 3-2014, hầu như các khu vực từ ven biển miền Trung và Nam Trung bộ đến các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa phổ biến đều thiếu hụt so với TBNN 50% – 90%. Đây là mức thiếu hụt nặng. Đặc biệt tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, từ tháng 1-2014 đến nay rất nhiều nơi không hề có mưa. Trong khi đó, do mực nước trên các dòng sông ở ven biển Trung bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt, nên các nhà máy thủy điện và hồ thủy lợi lại tăng cường trữ nước phục vụ các tháng mùa khô – từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2014. Vì vậy, hạ du khô hạn càng thêm “hạn”.