Lũ không chỉ là rủi ro

ThienNhien.Net – Sống chung với lũ từ thuở hồng hoang, song lũ vẫn là một hiện tượng tự nhiên mà con người khó có thể kiểm soát hoàn toàn. Cách tiếp cận và quan điểm truyền thống thể hiện trong thuật ngữ “kiểm soát lũ” có thể coi là một trong những nguyên do khiến việc chế ngự lũ còn thiếu hiệu quả và đôi khi phản tác dụng. Chính vì điều này, ông Joachim Saalmueller thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới cho rằng đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới với hoạt động kiểm soát lũ để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tận dụng những tác động tích cực mà cơn lũ đem lại. Xin được giới thiệu quan điểm của ông qua bài viết dưới đây.


Ba thách thức chính trong quản lý lũ

Bùng nổ dân số, đô thị hoá và phát triển kinh tế được coi là ba thách thức chính trong quản lý lũ lụt.

Tăng dân số là thách thức vì khi kinh tế phát triển cùng với mức tăng trưởng dân số, mức tiêu dùng thực phẩm chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này đòi hỏi một sự tăng lên theo cấp số nhân các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp, hai ngành vốn có mối quan hệ gần gũi với lũ.

Đất đai, đặc biệt là đất trồng trọt, là nguồn tài nguyên quý hiếm, và những vùng đồng bằng sau lũ chính là những mảnh đất màu mỡ đối với sản xuất nông nghiệp. Vùng ngập cũng chính là nơi đẻ trứng của các loài tôm cá, làm lợi cho ngành chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt. Kiểm soát lũ vì thế cần hướng tới mục tiêu phát triển đời sống của người dân vùng nông thôn nhờ tận dụng tối đa nguồn đất và vùng ngập sau lũ.

Tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá hiện nay khiến khu vực sinh sống của người dân lan gần ra các khu vực ven sông, làm tăng mức độ nguy hiểm, rủi ro khi có lũ. Tăng trưởng dân số và kinh tế còn làm gia tăng tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách khó kiểm soát và thường trên quy mô lớn. Điều này dẫn tới những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của nạn phá rừng và thay đổi những đặc tính thuỷ học của dòng nước, làm tăng đỉnh lũ và gia tăng lắng cặn.

Quản lý lũ và duy trì hệ sinh thái

Trong quá khứ, lũ lụt chủ yếu được kiểm soát bằng cách đắp đập, ngăn bờ. Biện pháp này về cơ bản không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Lũ lụt không phải là một hiện tượng lúc nào cũng phải phòng tránh, vì trên một khía cạnh nào đó, lũ lụt là cần thiết đối với hệ sinh thái, phục vụ cho đời sống của con người.

Mặt khác, đôi khi những cố gắng để kiềm chế lũ lại đưa lại thất bại khác như làm chệch hướng dòng chảy, phá huỷ hệ sinh thái, làm mất đi những đa dạng sinh học dọc các bờ sông.

Chính vì thế các biện pháp kiểm soát lũ dưới hình thức xây dựng kè, đập ngăn nước cần được thiết lập để có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm cả việc đảm bảo an toàn trong lũ, gìn giữ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn nước.

Kiểm soát rủi ro và tận dụng lũ

Các nhà quản lý nguồn nước và các chuyên gia sinh thái học đang đề nghị bỏ thuật ngữ “kiểm soát lũ” mà hướng tới mục tiêu thực tế hơn như “hạn chế lũ lụt” và “kiểm soát rủi ro lũ lụt”.

Đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro cần được coi là một phần quan trọng của chính sách kiểm soát tổng thể. Thực tế cho thấy, trong khi thiệt hại từ các cơn lũ đã được xem xét thì những nguồn lợi mà lũ đem lại hiện chưa được tận dụng triệt để trong nhiều trường hợp. Và điều này cũng ít nhận được sự quan tâm trong các cuộc bàn thảo chính sách.

Mặt khác, các nhà kinh tế học cho rằng sự gia tăng các thiệt hại từ lũ là một động lực để phát triển kinh tế. Và cũng có câu hỏi đặt ra là: Liệu con người có thể giảm thiểu toàn bộ thiệt hại do lũ gây ra? Hay chúng ta nên hướng mục tiêu vào một chính sách ít tham vọng hơn là giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, đồng thời tối đa những lợi ích đem lại sau khi cơn lũ đi qua? Việc đạt được mục tiêu thứ hai cũng giúp đảm bảo rằng những rủi ro từ hoạt động phát triển trên vùng ngập không vượt quá những lợi ích có thể thu lại.

Chính sách quản lý nguồn nước và đất vì thế cần có một cái nhìn bao quát về lũ lụt hơn là chỉ nhìn vào những thiệt hại mà cơn lũ gây ra. Các nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận cả những ích lợi sau khi cơn lũ đi qua và đưa ra những phương án hành động, những chiến lược sử dụng nguồn nước lũ hiệu quả hơn, đặc biệt với các nước có khí hậu khô hạn.

Các chuyên gia về lũ đang cố gắng tìm ra những giải pháp cân bằng, thay vì những giải pháp “tốt nhất”. Khi đó, kiểm soát lũ không chỉ là để nhằm giảm thiểu những thiệt hại, mất mát về kinh tế, mà còn cần một phương pháp quản lý sáng suốt đối với cả các nguồn đất và nước sau lũ. Bởi lẽ, tách rời lũ lụt ra khỏi bối cảnh phát triển và công tác quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan sẽ làm tăng thiệt hại và có thể làm thất bại mục tiêu giảm nghèo và các chiến lược thích ứng khác.