Tập huấn pháp lý cho các công ty lâm sản

ThienNhien.Net – Nhằm giúp đỡ các công ty lâm sản ở Việt Nam thực hiện vai trò của mình và đưa ra các biện pháp chống buôn bán gỗ bất hợp pháp, đồng thời giới thiệu về Đạo luật Lacey, Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN) của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) sẽ đồng tổ chức một loạt các Hội thảo tập huấn pháp lý tại các quốc gia ở Châu Á trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Lâm nghiệp và Thương mại có trách nhiệm ở châu Á (RAFT). Tại Việt Nam, ba hội thảo liên tiếp sẽ được tổ chức trong tuần này tại Hà Nội, Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo luật Lacey là đạo luật đầu tiên nghiêm cấm nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Các công ty nhập khẩu lâm sản vào Hoa Kỳ sẽ phải yêu cầu các nhà cung cấp như các xưởng chế biến và nhà máy sản xuất tại các quốc gia Châu Á phải hiểu rõ vai trò của họ trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý sửa đổi.

Tại hội thảo, các bên sẽ cùng nhau thảo luận những nội dung và chủ đề liên quan đến Đạo luật Lacey sửa đổi, tìm hiểu những yêu cầu của các công ty nhập khẩu Hoa Kỳ đối với các công ty cung cấp ở Việt Nam, phương thức để giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ chứng minh sự quan tâm thích đáng của họ, các quy định pháp lý liên quan ở Việt Nam, thông tin về pháp lý, kinh doanh có trách nhiệm và tài liệu đào tạo cho đội ngũ cán bộ tham gia trong lĩnh vực kinh doanh gỗ.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất ban hành văn bản pháp lý chống lại kinh doanh gỗ trái phép. Mới đây, quốc hội Châu Âu cũng đã bỏ phiếu thông qua một quy định mới, yêu cầu các công ty nhập gỗ vào thị trường EU phải chứng minh gỗ của họ có nguồn gốc hợp pháp. Hiện nay, EU cũng đang đàm phán các thỏa thuận đối tác tự nguyện (VPAs) song phương trong đó tập trung vào nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các quốc gia sản xuất.

Tiến sỹ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chia sẻ: “Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Hoa Kỳ và xem điều khoản bổ sung của luật Lacey vừa là thách thức cần phải vượt qua vừa là cơ hội để đưa việc quản lý rừng, nhập khẩu gỗ, chế biến gỗ lên mức tốt hơn nhằm mục tiêu duy trì và mở rộng thị phần đồ gỗ Việt Nam tại Hoa Kỳ”.

Với lịch sử hoạt động lâu dài thúc đẩy quản lý rừng và kinh doanh lâm sản có trách nhiệm, GFTN sẽ giúp các nhà cung cấp Việt Nam hiểu về đạo luật quan trọng này, học hỏi từng bước cụ thể để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp và quan trọng hơn cả là tìm kiếm nguồn nguyên liệu có trách nhiệm thông qua mua gỗ có chứng chỉ. 

Tham gia FLEGT: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam