Đánh thức tài nguyên Hang Kia – Pà Cò

ThienNhien.Net – Phát hiện đầu tiên về loài Chân chim pà cò <i>(Schefflera pacoensis)</i> trong năm 1971 của nhà thực vật học nổi tiếng người Nga, GS. Grushvisky đã đưa địa danh Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến với giới nghiên cứu sinh vật học. Sự giàu có về đa dạng sinh học của vùng núi đá vôi này đến nay vẫn tiềm ẩn rất nhiều giá trị. Nhưng hoạt động khai thác bất hợp lý của con người dường như đang đặt ra những thách thức cản trở con đường phát triển bền vững của vùng đất đầy tiềm năng này.


Nằm trên khu vực núi đá vôi điển hình, có tính đa dạng sinh học cao, từ những năm 1986, Hang Kia – Pà Cò đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng và đến năm 1997 được chuyển đổi thành Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN). Từ đó đến nay, đã có không ít những đợt điều tra nghiên cứu về đa dạng sinh học và những dự án phát triển kinh tế cộng đồng được thiết kế trong Khu BTTN. Tuy các nghiên cứu còn chưa đầy đủ và bao quát, nhưng hầu hết các báo cáo đều ghi nhận Hang Kia – Pà Cò là một trong những điểm còn lưu giữ được nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình trên địa phận 6 xã: Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Bao La, Cun Pheo và Piềng Vế, với tổng diện tích 5.258 ha, trên độ cao từ 800 đến 1500m.

Tiềm năng đa dạng

Kết quả điều tra và thống kê hệ thực vật Hang Kia – Pà Cò của ThS. Phùng Văn Phê, Giảng viên Khoa Lâm học (Trường Đại học Lâm nghiệp) được thực hiện năm 2009 cho thấy, tổng số loài thực vật ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò lên đến 877 loài, thuộc 498 chi của 153 họ, 6 ngành thực vật. Trong đó bao gồm 35 loài thực vật bị đe doạ theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), 16 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP, 11 loài được xếp trong Danh lục đỏ thế giới IUCN. Điển hình là các loài loài cây lá kim quí hiếm như Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), Thông đỏ (Taxus chinensis), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Dẻ tùng (Amentotaxus argotaenia), Thông tre (Podocarpus spp) và các loài cây gỗ có giá trị như Trai lý (Garcinia fagraeoides), Nghiến (Excentrodendron tonkinense).

Thông pà cò – Pinus kwangtungensis (Ảnh: Minh Xuân)  

Không chỉ đa dạng về số lượng loài, hệ thực vật của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò còn đa dạng về công dụng. Đáng chú ý trong số này là nhóm thực vật làm thuốc. Hang Kia – Pà Cò vốn được xem là vùng dược liệu quan trọng của tỉnh Hòa Bình. Trong đợt khảo sát tháng 8 năm 2010, nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) gồm PGS.TS Nguyễn Văn Tập và ThS. Ngô Đức Phương đã ghi nhận được 359 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 290 chi và 126 họ thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, phát hiện 20 loài thuộc Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam tại Khu BTTN, như Ba gạch vòng hải nam (Rauvolfia verticilata), Cỏ nhung (Anoectochilus roxburghii), Đảng sâm (Codonopsis javanica), Hoàng tinh cách (Disporopsis longifolia)…

Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò cũng là nơi sinh sống của nhiều loài cây đẹp, có tiềm năng cao trong việc sử dụng làm giống cây cảnh. Nổi bật là sự phong phú các loài phong lan, địa lan. Theo thống kê của TS.Nguyễn Tiến Hiệp (Trung tâm Bảo tồn Thực vật), hệ lan ở Hang Kia – Pà Cò có tới 70 loài lan khác nhau, với nhiều loài quí và đẹp như Lan hài xanh (Paphiopedilum malipoense), Ngọc vạn hoa vàng (Dendrobium chrysotaxum), Kim điệp tua (Dendrobium fimbriatum), Lan kiếm (Cymbidium), các loài Lan Kim tuyến (Anoectochilus). Ngoài ra, theo anh Nguyễn Đức Tố Lưu (Hội sinh vật cảnh Hà Nội), ở khu BTTN Hang Kia – Pà Cò còn có những loài cây cảnh nhiều tiềm năng như Cọ núi (Trachycarpus geminisectus), Thiên tuế (Cycas collina), Đỗ quyên hoa vàng (Rhododendron emarginatum), Thạch bế hồng (Calcareoboeae coccinea)…
 

 

 Hài xanh – Paphiopedilum malipoense (Ảnh: Minh Xuân)

Về hệ động vật, tuy chỉ khảo sát trong thời gian ngắn từ ngày 13 đến 21/7/2010 nhưng nhóm nghiên cứu Lưu Tường Bách và Lê Khắc Quyết (Tổ chức Bảo tồn Quốc tế) cũng ghi nhận sự có mặt của 14 loài thú thuộc 10 họ, 5 bộ (họ Culi, Vượn, Dơi muỗi, Chồn, Hươu nai, Sóc, Chuột, Nhím), chưa kể đến một số loài chim, bò sát và các loài lưỡng cư khác.

Nghiên cứu cụ thể về các loài chim ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, TS. Lê Đình Thủy (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) và TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Phó Trưởng Khoa Sinh học (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đã xác định được 146 loài, thuộc 46 họ và 15 bộ, trong đó có 8 loài chim quí hiếm có giá trị bảo tồn nguồn gen, bao gồm: Diều hoa Miến Điện (Spilornis cheela), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Sẻ đồng hung (Emberiza rutila), Chích chòe lửa (Copsychus malabaricus), Rẽ giun lớn (Gallinago nemoricola).

… nhưng chưa được bảo tồn xứng đáng

Tuy có tính đa dạng sinh học cao, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò chưa thực sự bền vững, hiệu quả, thậm chí đang bị xâm hại bởi các hoạt động khai thác của cư dân bản địa.

Trưởng Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia Pà Cò Nguyễn Mạnh Dần thừa nhận, hiện nay, hầu hết các khu bảo tồn ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm nhanh chóng về diện tích và chất lượng rừng, Hang Kia – Pà Cò cũng không ngoại lệ. Thách thức đang đặt ra cho công tác quản lý ở khu vực này vì có đến gần 6.000 dân đang sinh sống, phân bố dàn đều trong vùng lõi và phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Phần lớn cư dân trong vùng lõi Khu Bảo tồn đều là đồng bào dân tộc H’mông nên việc quản lý càng khó khăn, phức tạp. Diện tích Khu BTTN ngày càng bị phân mảnh và suy giảm.

Để bảo tồn hiệu quả nguồn tài nguyên đa dạng trong Khu Bảo tồn, ông Bạch Công Điệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hòa Bình và một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần thực hiện một số dự án nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình sinh kế giúp người dân nâng cao đời sống, nhằm giảm sức ép lên rừng.

Biến giá trị đa dạng sinh học thành “hàng hóa”

Thừa nhận Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò giàu có về đa dang sinh học, nhưng chuyên gia Vũ Văn Dũng, người từng gắn bó nhiều năm tại Viện Điều tra Quy hoạch Rừng cho rằng, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc chứng minh đa dạng sinh học mà cần tận dụng lợi thế đặc biệt của đa dạng sinh học vùng Hang Kia – Pà Cò để đem lại lợi ích cho cộng đồng và kinh tế địa phương. Có như vậy, cộng đồng mới bảo vệ rừng hiệu quả.

Ông Dũng nhấn mạnh, quan điểm bảo tồn cần phải thay đổi. Trước kia, chúng ta bảo tồn chỉ là để bảo tồn, là giữ gìn nguyên vẹn. Nhưng nay, bảo tồn phải gắn với phát triển bền vững và đem lại lợi ích cho địa phương. Theo đó, Hang Kia Pà Cò có thể phát triển các mô hình trồng cây, con đặc sản để vừa nâng cao thu nhập cho bà con, vừa quảng bá địa phương và thu hút khách du lịch.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Đa dạng sinh học ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò” do Trung Tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò tổ chức ngày 17/8/2010 tại Mai Châu, Hòa Bình cũng đồng tình với ý kiến trên. Thậm chí, đa số đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một trung tâm thực nghiệm tại Hang Kia – Pà Cò để lưu giữ nguồn gen và nhân giống các loài cây quý hiếm, các loại rau đặc sản, các mô hình phát triển kinh tế địa phương.

Trên thực tế, từ cuối năm 2008, PanNature đã xây dựng và triển khai dự án “Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên” tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. PanNature đã thực hiện nhiều chương trình, mô hình giúp cộng đồng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm tình trạng khai thác, chặt phá rừng.

 Cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên tập huấn kỹ thuật cho người dân làm dàn trồng su su (Ảnh: ThienNhien.Net)

Các mô hình phát triển kinh tế ở đây được thực hiện thông qua một tổ chức cộng đồng của địa phương là Ban phát triển cộng đồng xã Pà Cò, nhằm đảm bảo tính công bằng và kêu gọi sự tham gia của công đồng vào các hoạt động phát triển kinh tế, thông qua đó hướng đến mục tiêu bảo tồn. Các mô hình này lấy sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng thị trường để làm đòn bẩy và đảm bảo tính bền vững cho phát triển kinh tế cộng đồng, kết hợp với mục tiêu bảo vệ tài nguyên rừng ở địa phương.

 

 Ngôi nhà này được chọn làm điểm nghỉ ngơi cho mô hình du lịch cộng đồng trên Hang Kia – Pà Cò. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nhằm vào các sản vật và nguồn gen địa phương, dự án đã xây dựng được một số mô hình sản xuất hiệu quả như trồng su su lấy rau và lấy quả, nuôi lợn Mông, nuôi gà xương đen… Sắp tới, Trung tâm sẽ triển khai mô hình du lịch cộng đồng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và quảng bá hình ảnh địa phương.

Thông qua phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo tồn, hy vọng nguồn tài nguyên đa dạng phong phú của Khu BTTN sẽ được gìn giữ và phát triển bền vững.