Đào vàng, xới tung cả rừng phòng hộ

Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông bị xâm hại nghiêm trọng khi “vàng tặc” đưa máy móc vào xới tung để tìm kiếm vàng.

Cơ quan chức năng huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp truy tìm kẻ tổ chức, thuê người, đưa máy móc vào đào xới vùng lõi Khu BTTN Pù Luông để đào đãi vàng nhưng tới nay vẫn không thành.

Từ trung tâm huyện Bá Thước vào đến xã Lũng Cao khoảng 20 km; tiếp đó, đi theo con đường đất khoảng 8 km nữa là đến bản Kịt. Từ đây, sẽ đi bộ xuyên rừng già khoảng 3-4 giờ mới tới được khu vực khai thác vàng. Đây là khu vực xa dân cư, vùng giáp ranh 2 tỉnh (khu vực giáp ranh với xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đường sá đi lại rất khó khăn, địa hình hiểm trở.

Cảnh đào xới tan hoang rừng già của “vàng tặc” trong vùng lõi Khu BTTN Pù Luông. (Ảnh do Khu BTTN Pù Luông cung cấp)

Nhắc tới bãi vàng “Kịt Toong Hoong” nằm trong Khu BTTN Pù Luông (bản Kịt, xã Lũng Cao), nhiều người sẽ nhớ tới một khu vực đào đãi vàng trái phép nổi tiếng một thời ở Thanh Hóa – nơi gắn liền với những giai thoại bất hảo của tướng cướp Hiền “đầu bạc” vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, để lại nỗi khiếp sợ cho người dân trong vùng. Nạn đào vàng tại đây tạm lắng sau khi Hiền “đầu bạc” cùng một số đàn em bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình vào năm 1991. Tuy nhiên, các câu chuyện thêu dệt về bãi vàng trong vùng lõi Khu BTTN Pù Luông vẫn luôn âm ỉ trong giới phu vàng. Nhiều người, vì thế, vẫn nuôi mộng đổi đời nên hàng chục năm qua “vàng tặc” vẫn lén lút hoạt động, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng.

Gần đây, qua tuần tra, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Pù Luông lại phát hiện hàng chục người vào bãi Kịt để đào đãi vàng trái phép.

Thực tế cho thấy các điểm khai thác vàng trong bãi Kịt không chỉ tàn phá tài nguyên khoáng sản, rừng mà còn gây ô nhiễm môi trường trong vùng lõi rừng đặc dụng; bởi “vàng tặc” đã xới tung nhiều diện tích rừng, khoét núi, đào sâu hàng chục mét để vận chuyển đất ra ngoài và tiến hành bơm nước rửa đất, tách vàng. Do việc phân tách vàng phải dùng tới rất nhiều hóa chất để ngâm ủ đất, trong đó có thủy ngân, nên nước thải ra sẽ ngấm xuống lòng đất rồi chảy ra các con suối gây ô nhiễm nguồn nước.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Khu BTTN Pù Luông, cho biết trong tháng 8 và 9 vừa qua, lực lượng kiểm lâm của đơn vị liên tiếp phát hiện hàng chục người lén lút vào vùng giáp ranh để khai thác vàng. Do đường vào bãi vàng hiểm trở nên khi tiếp cận hiện trường, các phu vàng đã bỏ trốn lên rừng, chưa truy bắt được.

Lực lượng kiểm tra phát hiện nhiều lán, trại tại khu vực khái thác vàng trái phép. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. (Ảnh do Khu BTTN Pù Luông cung cấp)

Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện tại khu vực hang Nước (thuộc khoảnh 1 tiểu khu 250) có 1 bộ máy phát điện, máy bơm dùng để hút nước lên ủ hóa chất và nghiền đất; tại khu vực hang Chuột (thuộc khoảnh 1 tiểu khu 250) có các hố dùng để ủ đất và hóa chất; tại khu vực rừng giáp ranh thuộc địa phận xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn, phát hiện 1 bộ máy phát điện, 1 đầu nghiền, 1 máy nổ, 2 lán trại, 3 hầm đào sâu vào lòng đất để lấy đất nghiền, đãi khoáng sản.

“Do điều kiện địa hình xa, khó khăn, lực lượng mỏng nên tổ công tác không đủ điều kiện tạm giữ các phương tiện, máy móc, dụng cụ vi phạm. Qua nắm bắt thông tin, chúng tôi biết được ngoài các đối tượng trực tiếp khai thác khoáng sản trái phép, còn có sự tham gia của một số người dân trong vùng với vai trò vận chuyển, tiếp tế lương thực, hóa chất, xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác vào các bãi vàng” – ông Phương xác tín.

Cũng theo ông Phương, việc khai thác vàng tại vùng giáp ranh ngày càng được mở rộng hơn cả về quy mô, địa điểm và số người tham gia, làm gia tăng nguy cơ chết người, hủy hoại môi trường, phát sinh tệ nạn xã hội… gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực vùng giáp ranh nên đơn vị đã báo cáo UBND huyện Bá Thước kiến nghị tỉnh Thanh Hóa hướng xử lý.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết đoàn công tác của huyện đã làm việc, phối hợp với huyện Mai Châu và nhiều lần tổ chức đi kiểm tra khu vực khai thác vàng trái phép. “Chúng tôi cũng đã báo cáo tỉnh, trong đó có tính tới phương án cho nổ mìn lấp các hang vàng. Có như thế mới xử lý dứt điểm được, chứ kiểm tra quyết liệt thì tình hình tạm lắng, sau đó sẽ tái diễn” – ông Huy bày tỏ quyết tâm.