Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 3)

ThienNhien.Net – Nhìn về trước là mênh mông nước mặn, vậy mà người dân ấp 8, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre chỉ cần chọc ống nhựa vào lòng đất một chút là nước ngọt trào dâng. Giá như trời đất cũng ban tặng cho ĐBSCL những mạch nước ngọt như vậy! Tiếc rằng khắp vùng đồng bằng có lẽ chỉ Thạnh Hải mới có được may mắn ấy.


Mạch ngọt nào cho cả đồng bằng? 

 


Chuyện ở Thạnh Hải

 

Trong khi cả tỉnh Bến Tre đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhiều nơi nước ngọt được người dân mua với giá 60.000 đồng/can 30 lít thì tại xã Thạnh Hải nguồn nước ngọt lại dồi dào đến bất ngờ.

 

Thạnh Hải là xã giáp biển của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cũng có sóng, gió, cát và … nước mặn, nhưng không giống như những xã ven biển khác nước sinh hoạt vô cùng khan hiếm, ở nơi con sóng liếm vào bờ ấy chỉ cần đặt ống xuống là nước ngọt trào lên. Toàn bộ Cồn Bững (ấp 8) của xã nằm chơi vơi giữa sóng nước bốn bề. Vậy mà nước ngọt ngay dưới chân họ.

 

Chuyện kể rằng, trước đây những cư dân đầu tiên ra cồn đều mang nước ngọt để sinh hoạt. Một lần gặp cơn bão dữ, họ không thể vào đất liền được, phải ở lại cồn nhiều ngày. Thức ăn còn nhưng nước uống cạn dần. Người ta bèn dùng dao đào xuống đất với hi vọng như chàng An Tiêm thuở nào tìm nước ngọt trên đảo hoang.

 

 Thạnh Hải 1

Thạnh Hải 2

Thạnh Hải 3

Thạnh Hải 4
Khó tưởng tượng rằng một cồn đất nổi lên giữa bốn bề nước mặn lại dồi dào nước ngọt tới vậy. Người đàn ông này vui vẻ cho biết vụ dưa hấu gia đình anh vừa thu hoạch cho doanh thu hơn năm chục triệu. Nước tưới không thiếu, chỉ cần đặt ống vài mét là thấy. Hoạ chăng có lúc thiếu nước là bởi mất điện, không chạy được máy bơm (Ảnh: ThienNhien.Net) 

An Tiêm ngày trước vui mừng thế nào chẳng ai biết, nhưng những cư dân đầu tiên của Cồn Bững tìm thấy nước ngọt ngay dưới cân mình thì mừng vui khôn tả. Vậy là Cồn thành ấp, thành làng, thành nơi mưu sinh thuận lợi và chẳng mấy chốc là vùng trù phú nhất của xã Thạnh Hải.

 

Ông  Nguyễn Thanh Hùng, cư dân của Cồn Bững có 1 ha đất giồng cho biết: “Đất giồng ở đây trúng lắm: hết mùa dưa hấu là tới mùa củ sắn, củ cải, khoai lang. Ở đây sản xuất gì cũng khỏi sợ thiếu nước tưới vì chỉ cần đặt ống xuống đất dùng máy bơm bơm là nước ngọt lên hoài không hết luôn“.

 

Cạnh đó, ông Phạm Văn Vạn là một trong những người gắn bó suốt cuộc đời  với Cồn Bững cho biết: “Không ở đâu sống thoải mái bằng đất cồn. Trồng gì cũng trúng hết cả. Chắc trời thương cho mạch ngọt ngay dưới lòng đất nên cây trái hoa màu quanh năm đều tốt tươi“. Ông có trong tay trên 2 ha đất giồng, lại mở thêm quán nước dưới mé biển. Thu nhập hàng năm không dưới 150 triệu đồng.

 

Ông tâm sự: “Nói thật với chú, đối với một thương binh như tôi, thu nhập như thế ở đất Cồn Bững này là quý lắm rồi. Bây giờ người ta lo tìm nước ngọt, còn chúng tôi chẳng lo. Bấy nhiêu thôi cũng thấy sướng hơn nhiều người“.

 

Ở gần biển, xa đất liền, nhưng chuyện thiếu nước ngọt cư dân ở đây không bàn tới. Lâu nay, nước ngọt nghiễm nhiên được coi là một đặc ân của tạo hóa tặng cho những cư dân ven biển nơi đây. Có lẽ chính vì thiên nhiêu ưu đãi nên cả ấp 8 với 368 hộ thì chỉ có vài hộ nghèo. Số hộ khá chiếm đa số.

 

Chuyện mạch nước ngọt ngay sát mặt đất ở Thạnh Hải đến nay vẫn là điều lạ, cũng vì vậy mà chưa ai biết mạch nước ngầm của Thạnh Hải trữ lượng ra sao, liệu một ngày nào đó thiên nhiên có cướp mất của họ như đã từng cướp đi phần ba diện tích Cồn Lợi để bồi đắp cho nơi đây hay không?

 

 

Cạn dần mạch ngọt

 

Các vùng khác ở ĐBSCL vẫn khát nước ngọt trầm trọng, ngay cả những vùng dân cư sống ngay bên những dòng sông.

 

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Bạc Liêu, nguồn nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của tỉnh gần như 100% phụ thuộc vào giếng nước khoan từ tầng nước ngầm, kể cả các khu trung tâm, đô thị. Tính đến nay toàn tỉnh có trên 670.000 giếng nước khoan dân sinh.

 

Kết quả quan trắc cho thấy mực nước ngầm trong vòng 10 năm trở lại đây đã tụt giảm đến 3m vào mùa khô và 0,2m vào mùa mưa.

 

Tình trạng tại Cà Mau cũng tương tự. Tất cả đều trông chờ vào mạch nước ngầm được khoan sâu từ 70 – 120m dưới lòng đất chứ không phải vài mét như ở Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre.

 

Trong khi đó, tại các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang… nước ngọt được đa số người dân sử dụng từ những kinh rạch, sông hồ ô nhiễm. Ngay như Nhà máy nước TP. Cần Thơ cũng lấy nước trực tiếp từ sông Hậu.

 

Ths. Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần thơ cho biết: “Hầu hết các tỉnh Bắc Sông Hậu đều sử dụng nước sông để làm nước sinh hoạt. Các công ty, nhà máy lớn có hệ thống lọc nước theo tiêu chuẩn, còn lại đa số người dân nông thôn đều sài trực tiếp nước sông. Nhiều năm nay những con sông này đang gánh chịu cùng lúc nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp nên hầu hết đã bị ô nhiễm tùy mức độ. Về lâu dài nếu không xử lý tốt nguồn nước thải thì các nhà máy nước sẽ không còn cơ hội lấy nước từ các dòng sông lên để cung cấp nước cho cư dân trong các đô thị vì nước đã bị ô nhiễm nặng“.

 

Năm 2010, mực nước sông Mê Kông từ thượng nguồn đổ về thấp, cộng với tình trạng xâm nhập mặn ăn sâu hơn vào đất liền đã gây khó khăn cho việc cấp nước ngọt sinh hoạt.

 

Tại Bến Tre, vào tháng 5 vừa qua cả thành phố phải dùng nước nhiễm mặn vì các nhà máy cung cấp nước không thể xử lý xuể nước nhiễm mặn. Đến tháng 6, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây càng nghiêm trọng hơn.

 

Thống kê y tế cho thấy toàn tỉnh có trên 640 ca bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có hơn 20 trường hợp bị phẩy khuẩn tả. Trước tình trạng này, UBND tỉnh buộc phải ra lệnh đóng cửa các nhà máy nước đá và đề nghị xử lý ngay nguồn nước đầu nguồn cung cấp cho  cả hệ thống nước sinh hoạt cho thành phố Bến Tre.

 

Tại An Giang, nguồn nước ô nhiễm cũng đã khiến dịch tiêu chảy cấp có điều kiện lây lan nhanh. Trên nhiều tuyến kênh rạch, dù phương tiện giao thông đường thủy cứ chạy, vịt chạy đồng đặc dòng sông, người dân vẫn lấy nước trực tiếp để sinh hoạt hàng ngày.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Bờ Bao, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ xưa nay vẫn lấy nước sông cho sinh hoạt cả gia đình, nay cũng tỏ ra lo lắng: “Tất cả đều tuồn xuống sông hết hỏi làm sao mà không ô nhiễm. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng còn thừa cũng đổ xuống sông. Ở đây cứ 3 nhà có 1 nhà nuôi heo, tất cả nước thải của người và gia súc đều chảy ra sông. Biết vậy nhưng không lấy nước sông thì nước đâu ra mà tắm giặt, nấu ăn…“.

 

Chuyện thiếu nước sinh hoạt, mạch nước ngầm giảm so với cách đây 10 năm đã được các Sở tài nguyên môi trường cảnh báo, nhưng xem ra một giải pháp cơ bản vẫn còn nằm đâu đó phía trước bất chấp nhu cầu nước ngọt gia tăng không ngừng, cùng với sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế của cả vùng.

 

Trong khi đó, nguồn nước ngọt của dòng Mê Kông đang dần cạn kiệt do bàn tay con người ngăn sông, tàn phá tài nguyên rừng từ thượng nguồn.

 

Ứng phó: chuyện đang bàn

 

Để ứng phó với việc thiếu nước ngọt trầm trọng tại khu vực ĐBSCL, theo GS. Nguyễn Ngọc Trân ngay từ bây giờ cần có sự can thiệp mang tầm khu vực đối với việc xây dựng nhiều đập thủy điện từ thượng nguồn của dòng Mê Kông. GS. Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ: “Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm trở lại đây nước từ thượng nguồn Mê Kông đổ về ĐBSCL giảm đáng kể. Ba năm nay ĐBSCL gần như không có lũ. Nhiều người cho rằng, lũ ĐBSCL gây thiệt hại lớn, nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy lũ là nguồn tài nguyên lớn vì  phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa và chống xâm nhập mặn từ biển vào các nhánh sông. Không có lũ, riêng An, Giang, Đồng Tháp thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng“.

 

Nguồn nước cung cấp từ dòng Mê Kông giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an ấp Bờ Bao, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ phân tích: “Chi phí sản xuất nay tăng gấp ba lần so với trước. Trước đây, một công lúa chỉ cần 20kg phân bón các loại nay phải dùng đến 50 – 60 kg; ngày trước chi phí cho bơm tưới không đáng kể nay ít cũng phải 20 lít dầu. Sâu bệnh giờ cũng tăng, trước cả một vụ lúa xịt 3 lần thuốc trừ sâu nay lên đến 13 lần. Chi phí sản xuất tăng nhưng năng suất lúa không tăng nên đời sống của nông dân ngày càng giảm xuống. Trước mùa lũ về ai cũng có việc làm. Phụ nữ, trẻ em đan lưới, đàn ông, thanh niên ra đồng bắt cá. Còn bây giờ chẳng có gì làm cả nên cả ấp có đến hơn 30 người bỏ làng ra đi tìm phương kế sinh sống ở các đô thị lớn”.

 

Người dân vùng lũ họ trông đợi những cơn “lũ đẹp”, nghĩa là nước lũ vừa phải đừng ngập nhà, ngập cửa, đem đến phù sa bồi đắp cho ruộng đồng vốn đã bạc màu vì sản xuát quá đà 3-4 vụ/năm. Tuy nhiên, giấc mơ này vẫn mãi hoài là giấc mơ ở phía thượng nguồn hàng loạt con đập thủy điện được hình thành. 3 năm nay lũ không về, người dân ĐBSCL khát ngay trêm chính dòng sông đầy nước.

 

Để ứng phó với việc thiếu nước ngọt, các tỉnh ĐBSCL gần như chưa có phương cách gì cụ thể, tất cả vẫn đang nằm trong kế hoạch. Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bạc Liêu cho biết: ” Nguồn nước ngầm tụt giảm đã rõ, nhưng làm thế nào hạn chế sự tụt giảm này và khai thác hợp lý tài nguyên nước ngầm cho đến nay chưa tỉnh nào tính đến”.

 

Thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt đã và đang diễn ra ngay tại ĐBSCL mà không đợi đến kịch bản trăm năm tới. Trong khi đó, những giải pháp để khắc phục vẫn đang trên bàn thảo luận. Hàng vạn người dân dang ngóng chờ nước ngọt, mong sao trên vùng đất chín rồng này nơi đâu cũng như Thạnh Hải, dẫu biết niềm ước ao này khó thành hiện thực.

 


Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 1)

Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 2)