ThienNhien.Net – Vốn ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Giang nhưng anh Nguyễn Văn Báo ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, người dân tộc Sán Dìu đã biết cải tại vùng đất hoang thành trang trại thuộc loại lớn nhất tỉnh, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời còn giúp nhiều gia đình khác thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Báo cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình anh chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cây vải thiều. Tuy nhiên, giá vải thiều không ổn định, làm cho việc phát triển kinh tế của gia đình anh gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, anh tính đến chuyện phát triển chăn nuôi để cải thiện kinh tế gia đình.
Ban đầu, anh mua 40 con lợn con về nuôi thành lợn thương phẩm. Lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, trừ các khoản chi phi, anh thu hơn 2 triệu đồng.
Anh Báo nhận thấy, muốn phát triển kinh tế từ chăn nuôi thì phải thay đổi cách làm. Anh đã tập trung vào chăn nuôi quy mô lớn và tổ chức sản xuất một cách bài bản, khép kín.
Vậy là, anh tìm đến các trang trại chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc lợn theo quy trình khoa học. Bên cạnh đó, anh liên hệ với các trang trại nuôi lợn giống trong tỉnh để mua giống lợn có chất lượng cao về nuôi.
Đến khi có kiến thức và giống lợn tốt, anh Báo mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô lớn. Năm 2007, anh thuê 5 ha đất, đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn, kết hợp đào ao thả cá.
Thế nhưng, niềm vui chưa tới thì tai họa đã ập đến. Đàn lợn của anh gặp dịch tai xanh, chết hàng loạt, khiến anh lỗ hơn 100 triệu đồng.
Không nhụt chí, anh tiếp tục tham gia các lớp tập huấn phòng trừ dịch bệnh cho lợn ở huyện và tỉnh. Thêm vào đó, anh mua sách về chăn nuôi để đọc vào những lúc rảnh rỗi. Nhờ vậy, anh nắm được những biện pháp phòng trừ dịch bệnh nên đợt dịch lợn tai xanh vừa qua anh đã hạn chế được tác hại của dịch bệnh.
Hiện, mỗi năm anh nuôi hàng chục con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt. Năm 2009, anh xuất ra thị trường hơn 100 tấn lợn thương phẩm giá trị hơn 2,6 tỷ đồng và hơn 20 tấn cá thu về hơn 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh Báo còn tích cực giúp đỡ bà con dân tộc nơi đây phát triển kinh tế từ việc nuôi lợn theo quy trình khoa học mới. Hàng ngày, anh tận tình hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại, truyền đạt kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Với những gia đình khó khăn, anh sẵn sàng giúp đỡ về vốn.
Những gia đình được anh Báo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đã mạnh dạn bỏ cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi với số lượng lớn. Nhà nuôi ít trong chuồng luôn có vài chục con lợn, nhà nuôi nhiều lên đến cả trăm con. Kết hợp nuôi lợn, các gia đình đã tận dụng nguồn phân lợn để bón cho cây vải thiều, tiết kiệm được khoảng 85% chi phí chăm sóc cây vải hàng năm.
Tính đến nay, anh đã tư vấn kiến thức về chăn nuôi lợn cho hơn 40 gia đình trong xã, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Với những nỗ lực trên, anh Báo đã vinh dự được chọn là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn vào tháng 07/2009. Đồng thời, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đến thăm và động viên.
Nói về kinh tế trang trại, ông Lê Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết, hiện nay, chăn nuôi chiếm khoảng 60% tổng giá trị kinh tế trên toàn xã: “Chăn nuôi đã giúp cho nhiều gia đình trong xã thoát khỏi cảnh nghèo túng, vươn lên làm giàu. Trong đó, anh Báo là một trong những người đầu tiên trong xã phát triển chăn nuôi với quy mô lớn”.