100% điểm khai thác cát ở Gia Lai là trái phép

ThienNhien.Net – 3 năm qua, tỉnh không cấp phép cho mỏ cát nào, nhưng các hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra một cách công khai.

Như VOV đã phản ánh, tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra tràn lan tại tỉnh Gia Lai, với thực trạng khó tin: 100% các cơ sở khai thác cát đều là khai thác trái phép.

Doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn làm

Các máy hút cát ngang nhiên hoạt động mà không bị cơ quan chức năng "hỏi thăm" (Ảnh: VOV Online)
Các máy hút cát ngang nhiên hoạt động mà không bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” (Ảnh: VOV Online)

Chủ một doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác tại 2 mỏ cát tại địa phương. Mỗi lần cấp phép được 6 tháng, sau đó phải làm thủ tục cấp lại. Tại mỗi mỏ cát này, doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng trang thiết bị cũng như giải phóng mặt bằng cho đường và bãi cát. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, không rõ lý do vì sao địa phương không cấp phép trở lại. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với cấp huyện và tỉnh nhưng không nhận được câu trả lời.

Là doanh nghiệp xây dựng, nhất thiết phải có cát mới hoàn thành các công trình đã nhận thầu, do đó, dù biết phạm luật doanh nghiệp vẫn phải khai thác “trộm” từ chính bãi cát của mình đã đầu tư trước đó. Và việc khai thác “trộm” này muốn diễn ra thành công cần phải có sự “làm ngơ” của chính quyền và chức năng địa phương.

(Ảnh: VOV Online)
(Ảnh: VOV Online)

“Nói thẳng ra, bây giờ làm công trình cần 10-20 xe cát thì thôi mấy anh làm ngơ, mấy anh tạo điều kiện cho làm. Hoàn toàn là sai, biết là sai nhưng mà không làm thì lấy tiền đâu để chi trả công nhân. Thỉnh thoảng làm một vài xe để thi công nhưng vẫn phải xuất hóa đơn, mặc dù cũng sai nhưng vẫn phải làm vì không xuất hóa đơn thì không có đầu vào cho công trình, lại không hợp lệ.” – chủ doanh nghiệp nói.

“Cát tặc” hình thành theo quy luật cung- cầu…

Giống như trường hợp của doanh nghiệp vừa nêu, hầu hết các điểm khai thác cát có quy mô lớn, nhỏ hiện đang hoạt động dọc theo các sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai về mặt danh nghĩa đều đã có chủ. Và các ông chủ không hợp pháp này đang từng ngày khai thác “trộm” nguồn tài nguyên cát.

Một đoạn sông bị sạt lở (Ảnh: VOV Online)
Một đoạn sông bị sạt lở (Ảnh: VOV Online)

Ông Phạm Tiến Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện thừa nhận: “Nói chung xuất phát từ nhu cầu xây dựng của huyện. Các cơ sở người ta cũng khai thác nhưng khai thác không nhiều. UBND xã xét nhu cầu chung về xây dựng, cho nên các cơ sở khai thác trong một ngày theo nhu cầu người ta có thể bán năm ba xe, ví dụ thế, qua kiểm tra thì các anh cũng đã thấy”.

Còn ông Mai Chí Toan, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, huyện Phú Thiện cho biết, đã gần 3 năm qua, tỉnh không cấp phép và cũng chưa có cơ chế để địa phương khai thác cho các mục đích xây dựng. Huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay chưa được giải quyết. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát của địa phương là rất lớn và nguồn cát sẵn có dồi dào, có cầu ắt phải có cung, việc khai thác cát trái phép để xây dựng là điều khó tránh khỏi.

“Huyện mới thành lập, tất cả các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện rất nhiều. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện gửi UBND tỉnh xin đề nghị cấp phép để giải quyết các vấn đề xây dựng dân dụng, nhưng đến nay tỉnh chưa giải quyết nên rất khó khăn. Các nhà báo hết sức thông cảm cho địa phương, xây một cái nhà cũng phải dùng đến cát, xây một công trình rất nhỏ cũng phải dùng đến cát” – ông Mai Chí Toan thẳng thắn nói.

Bộ chậm trễ khiến địa phương gặp khó?

Một người dân đứng bên bờ sông bọ lở do hút cát làm ảnh hưởng đến dòng chảy (Ảnh: VOV Online)
Một người dân đứng bên bờ sông bọ lở do hút cát làm ảnh hưởng đến dòng chảy (Ảnh: VOV Online)

Để làm rõ vẫn đề: Tại sao tỉnh Gia Lai không cấp phép khai thác cát, phục vụ nhu cầu xây dựng rất bức thiết tại địa phương, chúng tôi đã tìm tới Sở Tài nguyên -Môi trường tỉnh.

Ông Lương Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở cho biết, đó là vì vướng các thủ tục hành chính. Đã 3 năm kể từ khi Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên-Môi trường vẫn chưa có được quy định cụ thể việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nên việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và cát xây dựng nói riêng tại địa phương không thể thực hiện được.

“Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực là việc cấp phép khai thác khoáng sản bị ngừng trệ. Và đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có một mỏ cát nào được phép hoạt động theo đúng quy định của Luật. Tất cả các mỏ cát mà dân đang làm là khai thác chui, theo đúng quy định là phải tịch thu những sản phẩm khai thác chui đó.” – ông Lương Thanh Bình nói.

Như vậy, sự thật dẫn đến nạn khai tác cát lậu tràn lan tại tỉnh Gia Lai hiện nay không phải là do cát tặc tinh vi, khó kiểm soát mà là sự chậm trễ ban hành các quy định liên quan. Và sự thật ấy cho thấy rằng, toàn bộ cát xây dựng ở Gia Lai hiện nay là cát lậu, lẽ ra phải bị tịch thu như lời ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Gia Lai. Thế nhưng, suốt 3 năm qua, hầu như không có mét khối cát nào trên địa bàn Gia Lai bị tịch thu theo cái điều lẽ ra ấy, nên ngân sách địa phương vẫn bị thất thu con số không nhỏ, còn các điểm khai thác trái phép thì ngày càng nở rộ.