ThienNhien.Net – Bangladesh sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và những ảnh hưởng tích luỹ trong 2 thập kỷ tới khi Trung Quốc và Ấn Độ xây dựng hơn 200 đập lớn nhỏ trên dòng Dương Tử, Brahmaputra và sông Hằng – 3 hệ thống sông lớn khởi nguồn từ dãy Himalaya.
Còn trong một báo cáo về những thách thức đối với Hymalayan, các nhà khoa học dự đoán Bangladesh sẽ lâm vào khủng hoảng an ninh lương thực, bùng nổ dịch bệnh lây truyền qua đường nước và mất đa dạng sinh học do sụt giảm tới 22% nguồn nước cung cấp (trong vòng 2 thập kỷ tới) cùng với sự gia tăng của dân số cũng như mực nước biển dâng cao.
Ngoài tác động đến nguồn nước Bangladesh, việc xây dựng các đập lớn ở một khu vực dễ bị động đất trên một dòng sông xuyên biên giới, nhất là khi không có hiệp ước về chia sẻ nguồn nước giữa Ấn Độ và Trung Quốc rất dễ dẫn đến xung đột giữa hai quốc gia do nguy cơ thiếu nước.
Theo tính toán của các nhà khoa học, dựa trên nhu cầu và nguồn cung cấp nước (cho 2 thập kỷ tới) từ các con sông bắt nguồn tại dãy Himalaya ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal, nguồn nước sạch sẽ suy giảm khoảng 275 tỷ m3 (BCM).
Theo dự báo của các nhà khoa học, vào năm 2050 cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng sụt giảm ít nhất 30% sản lượng lúa mì và gạo, trong khi nhu cầu của họ tăng 20%.
Trước viễn cảnh ấy, Ủy ban sông Himalayan đã khuyến nghị các chính sách quốc gia về nước của Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal cần có sự kết hợp chặt chẽ trong bảo tồn nguồn nước nhằm cải thiện tình hình và phát triển bền vững.