Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 3)

ThienNhien.Net – Sản xuất lúa- tôm được xem là mô hình bền vững ở vùng Bán đảo Cà Mau và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trên cùng một diện tích, mùa mưa có nước ngọt thì sản xuất lúa, mùa nắng lấy nước mặn vô nuôi tôm. Nhưng hệ thống thủy lợi chắp vá, không đồng bộ, biến động trước thời tiết đã khiến người sản xuất lao đao.


Thủy lợi thụ động

Mở rộng diện tích lúa- tôm

 

Mô hình lúa tôm do chính người dân tự xây dựng nên, rồi sau này học hỏi nhau, lại được chính quyền ủng hộ nên lan truyền phổ biến. Diện tích lúa- tôm mỗi năm tăng giảm theo hiệu quả sản xuất năm trước và thời tiết đang diễn biến.

 

Trong 3 năm 2007- 2009, diện tích lúa tôm toàn tỉnh Cà Mau là 126.365 ha. Năng suất lúa dao động từ 3,5 – 3,6 tấn/ha, một số nơi đạt cao 4,5 tấn/ha. Sản lượng tôm nuôi trên đất trồng lúa trung bình từ 400-460 kg/ha/năm, tăng 20-30% so với những nơi độc canh con tôm.

 

Năm 2007, tỉnh Cà Mau quy hoạch 30.000ha lúa- tôm, bà con nông dân gieo cấy chỉ được 25.000ha, trúng mùa, được giá. Năm 2008, diện tích gieo cấy lúa – tôm của tỉnh trên 32.000 ha. Năm 2009, quy hoạch là 35.000ha nhưng bà con mở rộng lên 45.000ha.

 

 được mùa
Lúa tôm Cà Mau gặp thời tiết thuận lợi (Ảnh: Tiến Hưng)

Năm 2010, Sở NN-PTNT Cà Mau vận động nông dân phát triển thêm diện tích luân canh lúa- tôm tại các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và Tp. Cà Mau. 

 

Tỉnh Bạc Liêu quy hoạch lúa- tôm năm 2009 là 18.000ha, đã mở rộng diện tích gần gấp đôi so với trước. Ông Biện Hoàng Lập, ở xã Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu đang sản xuất được gần 2 ha lúa- tôm khẳng định: “Chính quyền khỏi cần qui hoạch, áp đặt gì hết. Nếu hệ thống thủy lợi chủ động nước thì bà con chúng tôi làm.”

 

Nhà nông méo mặt với nắng nóng

 

Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau, ông Nguyễn Thông Nhận, nói: “Làm lúa có lời, bà con nông dân tích cực mở rộng diện tích lắm, nhưng kết quả ra sao còn phụ thuộc thời tiết!”

 

Quả thực, trong vài năm trở lại, nắng nóng có chiều hướng tăng. Mùa nắng hạn năm 2010 làm cho người sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng méo mặt. Vườn cây thiếu nước tưới, ruộng lúa khô rang giữa lúc vào đòng, ngậm sữa. Ngược lại, diện tích nuôi tôm vùng ĐBSCL bị nắng hạn, tôm chết, dịch bệnh lây lan.

 

Lão nông Nguyễn Văn Giàu, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau tâm sự: “Người nông dân ham làm, không làm là đói nghèo, nhưng không phải lúc nào làm cũng được. Gia đình tôi cấy lúa, đương phát triển tốt, nhưng nắng hạn kéo dài thì lập tức nước tăng độ mặn, lúa úa vàng ngay. Năm ngoái, gia đình tôi có hơn 10 công lúa nhưng nước mặn tràn vô chết gần hết!”

 

Vùng sản xuất lúa- tôm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng cùng chung cảnh ngộ. Năm nào mùa mưa kéo dài thì lúa trúng mùa, khô hạn sớm thì lúa úa vàng mà chết. Ông Trần Văn Bảy ở xã Phong Thạnh (huyện Gía Rai, Bạc Liêu) phân trần: “Trồng lúa trên đất nuôi tôm như xin ông trời. Trời thương trời cho. Vụ vừa rồi, gia đình tôi mất toi 10 công lúa vì nắng hạn, thiếu nước ngọt, lúa chết yểu!”

 

Ông Lê Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) cho biết: “Xã chúng tôi nằm ở cửa sông Cổ Chiên. Năm nào cũng vậy, khi có tin báo bão là phải di dời người dân ven sông, gần cửa biển vô trong trú ẩn. Bà con nông dân sản xuất một vụ lúa- một vụ tôm nhưng trồng lúa thì năm được năm không, do thời tiết.”

 

Ấp Bờ Bao, thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) có 328 hộ dân định cư vùng địa hình thấp nhất của Tp. Cần Thơ. Mùa lũ năm 2000, có 70% hộ dân bị ngập nhà nhưng những năm gần đây thì lũ về ít, khó khăn cho sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an ấp Bờ Bao cho biết: “Mùa nắng nay gay gắt hơn, chi phí sản xuất lúa tăng thêm bội phần do phải đầu tư nhiều cho phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí bơm nước.”

 

Nắng nóng cũng làm cho tôm nuôi bị dịch bệnh chết nhiều, sản lượng giảm gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Vào thời kỳ cao điểm, giá tôm nguyên liệu tăng cao ngất ngưởng.  Loại 20 con/kg giá trên 200.000 đồng, cỡ 30-40 con giá khoảng 150.000-160.000 đồng/kg.

 

Chủ nhiệm HTX Thủy sản Rạng Đông (Bình Đại, Bến Tre) Nguyễn Quốc Dũng giọng buồn rười rượi: “Tôi làm chủ nhiệm HTX này trên 10 năm rồi nhưng chưa có mùa nắng nào nghêu lại chết nhiều như năm nay. Nghêu chết hơn một tháng, HTX chúng tôi thất thu trên 5 tỷ đồng, bà con xã viên ai nấy cũng âu lo, thấp thỏm, ngủ không yên.”

 

Hiện tượng nghêu chết hàng loạt tại ven cửa sông Ba Lai (Bến Tre) gồm các bãi bãi nghêu tại xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) và xã Bảo Thuận, Tân Thủy (huyện Ba Tri) vừa qua cũng trở nên nan giải. Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Bến Tre Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Vùng nuôi nghêu này có hơn 600 ha nghêu chết, kể cả nghêu giống lẫn nghêu thịt.”

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT Bến Tre phối hợp với các địa phương khảo sát, xác định nguyên nhân khiến nghêu chết để có hướng khắc phục. Các vùng nuôi chưa có nghêu chết như tại Thừa Đức (Bình Đại), An Thủy (Ba Tri), Thạnh Hải và Thạnh Phong (Thạnh Phú) tranh thủ thu hoạch, san thưa nghêu giống, nghêu trung đến nơi an toàn hoặc bán bớt nghêu giống nếu mật độ dày.

 

Viện Nghiên cứu nông trồng thủy sản II đã tiến hành điều tra, khảo sát tình hình nghêu chết tại HTX Thủy sản Rạng Đông và HTX Thủy sản Bảo Thuận (Bến Tre). Kết quả là 100 % mẫu nghêu thu được có  ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp.. Đây là loài ký sinh trùng thường gây cho nghêu chết trong điều kiện nhiệt độ và độ mặn tăng cao.   

 khô hạn
Nắng hạn làm khô lúa
chờ nước
Đợi nước tưới cho ruộng đồng (Ảnh: Tiến Hưng)

Thủy lợi đuối sức với lúa- tôm

 

Mô hình sản xuất lúa – tôm khai thác hiệu quả cả nguồn nước mặn- ngọt trong 2 mùa nắng- mưa. Đặc biệt, làm lúa có lời, bà con tích cực mở rộng diện tích lúa trên đất nuôi tôm. Ông Phạm Văn Bảy, ở xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) chắc chắn như bắp: “Làm lúa không cần trúng, chỉ cần đủ gạo ăn. Bù lại, vụ tôm sau đó ít bệnh, mau lớn thì có lời hơn!”

 

Sản xuất lúa- tôm vùng Bán đảo Cà Mau khai thác thủy lợi mặn- ngọt. Mùa mưa, bà con trồng lúa nhưng thường xảy ra ngập úng do hệ thống thủy lợi tiêu thoát không kịp. Ngược lại, giữa mùa mưa gặp phải nắng, độ mặn tăng cao, lúa chết yểu. Đặc biệt, cuối mùa mưa, nước mặn xâm nhập sâu cũng làm cho lúa chết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Hồng kết luận: “Mô hình luân canh lúa – tôm mang lại hiệu quả, năng suất cao. Đây là mô hình mang lại nhiều triển vọng và lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, để mô hình luân canh lúa – tôm được nhân rộng hơn nữa trong sản xuất của nông dân cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, hướng dẫn tốt khâu kỹ thuật trồng lúa, nuôi tôm sau khi thu hoạch lúa, chọn giống phù hợp với từng vùng đất…

 

Tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa đến năm 2015 do Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau triển khai, được người dân rất đồng tình. Tỉnh cũng quy hoạch 23 tiểu vùng thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, song không thể triển khai kịp thời vì thiếu vốn!

 

Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau cho biết, ngân sách đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa tôm rất nhỏ giọt. Từ năm 2006 đến nay chỉ mới đầu tư 200 tỷ đồng và năm 2010 được phân bổ 80 tỷ đồng. Hệ thống thủy lợi ở Cà Mau chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đó là thiệt thòi cho người dân Cà Mau, đặc biệt là mô hình sản xuất lúa- tôm đòi hỏi hệ thống thủy lợi đồng bộ, linh hoạt, chủ động.

 

Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết hiện nay tỉnh đang cùng với Cục trồng trọt nghiên cứu nhiều bộ giống khác nhau, có độ thích nghi với vùng đất lúa tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Mô hình sản xuất lúa- tôm đang mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thủy lợi chưa đáp ứng. Đó chính là tiềm ẩm rủi ro cho người nông dân vùng bán đảo Cà Mau.

 

Theo Ths. Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên- môi trường, thuốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Cần Thơ, ĐBSCL nói chung cần phải có nghiên cứu chiến lược tổng hợp lâu dài cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường, nâng cao năng lực thích ứng của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương như người nghèo và nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đông thời nghiên cứu và giới thiệu cho người dân những mô hình sinh kế mới.

 


 

Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 1)

Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 2)