Tầm nhìn chiến lược trong khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản biển

Tài nguyên khoáng sản biển Việt Nam phong phú và đa dạng, vì vậy trong thời kỳ hội nhập, đây là một động lực quan trọng đưa đất nước phát triển, mở ra nhiều khả năng mới cho sự phát triển địa chất biển nước ta. Vai trò và lợi ích quốc gia thu được từ nguồn tài nguyên khoáng sản biển rất lớn, nhưng cần có tầm nhìn chiến lược trong việc khai thác và sử dụng nguồn lợi này.

Theo GS.TS Phạm Huy Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Hiện tốc độ khai thác các mỏ sa khoáng ven biển rất cao, chủ yếu là tuyển Titan và Ziacon sạch, cát thuỷ tinh để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, công nghiệp trong nước chưa sử dụng nhiều. Không ít mỏ khi khai thác và sau khi khai thác xong không chú trọng đến vấn đề môi trường nên gây ra những tác động xấu.

Gần đây, một số tỉnh miền Tây Nam bộ đã tiến hành thăm dò và khai thác cát san lấp xuất khẩu. Nhiều nhà khoa học cho rằng phải tính toán kỹ, vì khai thác cát ở vùng nước biển nông có thể làm thiếu hụt trầm tích và gia tăng nạn sạt lở bờ biển vốn đã nghiêm trọng. Tuy nhiên, các ngành chức năng nước ta vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động của việc khai thác cát tới môi trường.

Để sử dụng và phát triển tài nguyên khoáng sản biển một cách bền vững, theo TS. Phạm Huy Tiến: Việt Nam cần sớm hoạch định một chiến lược phát triển cho ngành này. Các tài nguyên quan trọng như dầu khí, khoáng sản rắn cho đến nay mới phát hiện chủ yếu ở dải ven biển, còn ở vùng nước sâu, xa bờ chưa có điều kiện điều tra nên mới chỉ có những tài liệu ban đầu. Nhà nước cần có chiến lược gia tăng giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản biển, đặc biệt là dầu khí.

Hàng năm, nước ta xuất khẩu trên 20 triệu tấn dầu thô và nhập về hàng chục triệu tấn xăng dầu là điều bất hợp lý. Mười năm qua Việt Nam đã cố gắng tạo lập thị trường tiêu thụ khí nội địa nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, khí phải đốt ở ngoài khơi trong khi đất liền thiếu điện. Khai thác tài nguyên khoáng sản biển là ngành kinh tế mạo hiểm đòi hỏi vốn lớn và có nhiều rủi ro, nên cần có cơ chế thích hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực khoáng sản rắn.

Để đảm bảo định hướng cho việc tìm kiếm thăm dò khoáng sản biển từ khoáng sản rắn, dầu khí đến băng cháy, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản về địa chất biển. Công việc này đã được tiến hành từ nhiều năm nay song tiến độ quá chậm chạp, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Bởi vậy, nước ta cần điều tra khảo sát, tìm kiếm, thăm dò tài nguyên khoáng sản biển với một chiến lược đảm bảo rút ngắn thời gian từ khâu điều tra đến khai thác, đảm bảo sản lượng khai thác tăng trưởng bền vững, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội.