Chồng chéo trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – "Còn chồng chéo trong pháp luật quản lý nhà nước về đa dạng sinh học" là một trong những phát hiện từ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững LDSP được công bố mới đây.

 

Theo TS. Vũ Thu Hạnh, thành viên của nhóm nghiên cứu, mặc dù đây mới chỉ là những rà soát ban đầu đối với các văn bản quy phạm pháp luật, còn nhiều giới hạn cả về phạm vi nghiên cứu lẫn kinh nghiệm thực tiễn, song đã cho thấy một số điểm đáng chú ý.

 

Một trong những ghi nhận của nhóm là quy định chung về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành đối với đa dạng sinh học tuy về cơ bản đã được đảm bảo trong Luật Đa dạng sinh học ban hành năm 2008, nhưng sau hai năm luật có hiệu lực việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành vẫn bị bỏ ngỏ, vì phải “chờ” hướng dẫn của Chính phủ. 

 

Nghiên cứu cũng cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học hiện chưa thống nhất, có tới năm loại quy hoạch khác nhau cùng tồn tại. Ngoài ba quy hoạch bảo tồn cho các hệ sinh thái rừng, biển và vùng nước nội địa, đất ngập nước, còn có đồng thời hai loại quy hoạch bảo tồn thiên nhiên (theo Luật Bảo vệ môi trường 2005) và Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học  (theo Luật đa dạng sinh học 2008). Điều này gây nên sự lãng phí đầu tư của xã hội, trong khi chất lượng quy hoạch chưa được chú trọng.

 

Cách phân loại khu bảo tồn thiên nhiên hiện nay trong các văn bản pháp luật về đa dạng sinh học cũng gây khó cho cả người thực thi lẫn công tác quản lý. Ba luật có liên quan (Luật bảo vệ phát triển Rừng 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Đa dạng sinh học 2008) có ba cách phân loại khác nhau.

 

Thêm vào đó, việc xé lẻ khu bảo tồn theo hệ sinh thái (rừng, biển, đất ngập nước) cũng khiến cho vấn đề càng thêm phức tạp, có thể thấy rõ ở những khu bảo tồn thiên nhiên có đồng thời nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau, cả trên cạn và dưới nước.

 

TS. Hạnh nhận xét: “Chúng ta cần xem lại, có lẽ chỉ nên phân biệt khu bảo tồn với khu vực không bảo tồn để phục vụ công tác quản lý, nếu phân tách quá chi tiết sẽ gây phức tạp và rối rắm.”

 

Cho đến nay, Nhà nước đã ban hành các quy chế quản lý đối với rừng, khu bảo tồn biển, sắp tới lại có thêm nghị định về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì soạn thảo. Nếu không rà soát kỹ chắc chắn chồng chéo là điều khó tránh.