Thấy rõ nút thắt để gỡ

ThienNhien.Net –  Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần thu hút đầu tư”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu và nói sẽ xem xét thận trọng trong tổng thể chung
Bộ trưởng Cao Đức Phát trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu và nói sẽ xem xét thận trọng trong tổng thể chung

Lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số tỉnh, thành và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham dự Hội thảo. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề vướng mắc, tồn tại làm cản trở phát triển ngành nông nghiệp. Các vấn đề về chính sách đất đai, tiền tệ, tài khóa và thương mại được lần lượt các chuyên gia, học giả phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau, làm nóng hội trường với những tranh luận xác đáng.

Đề xuất cởi trói hạn điền

Theo chuyên gia kinh tế David Dapice (Đại học Tuft, Hoa Kỳ), một thực tế quan trọng là khu vực nông nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng thấp trên một lao động. Năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam vốn tương tự như ở Bangladesh nhưng hiện nay đã kém hơn và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng khác.

Khẳng định rằng Luật Đất đai năm 2013 cho phép người nông dân có quyền thuê đất 50 năm là sự cải thiện lớn so với 20 năm như trước, nhưng chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM cho hay tính không linh hoạt trong sử dụng đất vẫn là trở ngại lớn. Ông Thành cho rằng, nông dân không được thực sự tự do trong việc quyết định chăn nuôi hay trồng trọt trên đất nông nghiệp của mình. Sự hạn chế này làm giảm giá trị đất của nông dân và khiến họ không chắc có thể bán được đất để chuyển sang hoạt động nông nghiệp khác hay chuyển ra thành phố.

Đặc biệt, theo chuyên gia David Dapice và Nguyễn Xuân Thành thì đất nông nghiệp ở ta vẫn không được đảm bảo quyền sử dụng ngang bằng với bất động sản đô thị. Việc các địa phương thu hồi đất nông nghiệp của dân với giá đền bù phải chăng để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp với giá trị cao hơn nhiều thực chất là tước đoạt giá trị đất từ tay người nông dân sang giao cho nhóm lợi ích khác.

Từ thực tế trên, các chuyên gia David Dapice và Nguyễn Xuân Thành đề xuất cho phép những nhà nông thành công mở mang trang trại lên hàng chục hay có thể hàng trăm ha. Các tổ chức tín dụng cung cấp vốn theo lãi suất thị trường để cải thiện đất, máy móc và chế biến nông sản trên cơ sở tự thẩm định tính khả thi. Hai là cho các nhóm nông dân canh tác trên những diện tích lớn hơn; cho phép những nông dân thành công mua lại đất của láng giềng. Nếu cảm thấy có nguy hiểm từ những “địa chủ lớn”, Nhà nước có thể áp thuế đất đối với những diện tích vượt quá mức nhất định.

Từ thực trạng hiện nay, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ cho rằng, ở Việt Nam chưa có thị trường đất đai mà chỉ có cơ chế xin cho. “Nhà nước đang vừa quản lý vừa kinh doanh đất” – GS Lược nói thẳng.

GS.TS Võ Đại Lược cho rằng, Nhà nước đang vừa quản lý vừa kinh doanh đất.
GS.TS Võ Đại Lược cho rằng, Nhà nước đang vừa quản lý vừa kinh doanh đất.

Theo GS Lược, việc giữ chủ thể sản xuất là hộ gia đình sẽ còn nhiều bất cập trong phát triển nông nghiệp. GS kể ở Trung Quốc đất đai cũng thuộc sở hữu Nhà nước nhưng họ lại có cơ chế cho sử dụng đất. Đó là trong xã được lập ra một cơ quan độc lập thuê đất của nông dân (cho thuê dài hạn) rồi cho doanh nghiệp thuê lại và yêu cầu doanh nghiệp đó phải sử dụng nông dân ở xã đó làm công nhân. “Chúng tôi đã tận mắt xem ở một xã như thế tại Trung Quốc và thật thú vị, nơi đó, nông nghiệp công nghệ cao phát triển rất mạnh, bài bản. Với mô hình này Việt Nam có thể áp dụng được” – GS Lược kiến nghị.

Bức thiết thị trường đất đai

Tán thành phát biểu của GS Lược, ông Đỗ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội mía đường Việt Nam vào thẳng vấn đề trước bức xúc của chính sách đất đai hiện nay rằng, Nhà nước đừng sợ nông dân thất nghiệp mà hãy sợ nông dân nghèo đói. Theo ông Liêm, nếu cứ giằng co mãi thế này thì doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao.

“Nếu xóa bỏ hạn điền, chấp nhận việc chuyển quyền sử dụng hạn điền chắc chắn sẽ có thị trường đất đai, sẽ có những cánh đồng lớn khoa học công nghệ cao thực thụ” – ông Liêm nói.

Tham gia ý kiến, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu trước đó. Bà nêu dẫn chứng ở Israel đất đai cũng do Chính phủ sở hữu nhưng ở đó có thị trường đất đai khá sôi động.

“Tôi ủng hộ ý kiến của quý vị rằng Việt Nam cần có thị trường đất đai và có thể học tập một số cách làm ở Israel và ở Trung Quốc như câu chuyện của một vị GS phát biểu trước tôi” – bà Victoria Kwakwa nói. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ghi nhận và đánh giá rất cao sự chuẩn bị của các tham luận và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Bộ trưởng cho rằng, các ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn, gợi mở và hết sức trách nhiệm của các đại biểu không chỉ có nội hàm chính sách đất đai mà các vấn đề liên quan đến tiền tệ, tài khóa và thương mại cũng được nêu ra khá cụ thể. Những vấn đề lớn này sẽ giúp Bộ và các ngành trong chức năng, quyền hạn của mình tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo Trung ương và Chính phủ nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần thu hút đầu tư.

“Điều chỉnh chính sách đất đai là vấn đề quan trọng, bức thiết hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp trong tái cơ cấu nền kinh tế. Câu chuyện quyền sở hữu, hạn điền cũng được đề cập khá sâu sắc, mạnh mẽ, quyết liệt trong nhiều hội nghị, hội thảo tầm quốc gia trước khi thông qua Luật Đất đai và Hiến pháp 2013. Việc rà soát, đánh giá lại các chính sách, quy định để xem thực tiễn vận hành như thế nào. Dĩ nhiên, phải được xem xét thận trọng trong tổng thể chung” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chốt.

GS Trần Đình Thiên cho rằng, muốn một nền nông nghiệp hiện đại đi vào thị trường toàn cầu thì phải có doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp tạo ra chuỗi sản xuất toàn cầu liên kết với nhau. Nói thế để định vị lại cấu trúc chủ thể. Còn cứ mãi thế này thì lạc hậu và tụt hậu mất thôi.