Cây dược liệu cần được quan tâm bảo tồn

ThienNhien.Net – Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có rất nhiều cây thuốc có giá trị. Tuy nhiên việc khai thác bừa bãi, bảo tồn thiếu hiệu quả đã và đang làm nguồn tài nguyên quý già này ngày một cạn kiệt, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng.


Giàu tiềm năng dược liệu…

Theo các kết quả điều tra, Việt Nam có 7 vùng sinh thái giàu tiềm năng dược liệu của thế giới với gần 4000 loài thực vật và nấm lớn có thể sử dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loại có giá trị chữa bệnh cao, một số loại như hồi, quế, sâm Ngọc Linh, tràm, hoa hòe, actiso… là dược liệu quý đã được thế giới công nhận. Sản lượng dược liệu ước tính hàng năm của nước ta vào khoảng 3000-5000 tấn.

Nguồn dược liệu dồi dào là nền tảng cho việc hình thành các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước, trong đó có 10 cơ sở đông dược đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của WHO. Nhiều công ty dược cũng có thương hiệu riêng từ thế mạnh của cây dược liệu.

song chưa được khai thác và bảo tồn hợp lý

Dù được đánh giá là một nước có tiềm năng lớn về dược liệu song chúng ta vẫn phải nhập tới 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh thông thường (chủ yếu nhập từ Trung Quốc).

Hơn nữa, do tình trạng lạm dụng hóa chất mà tỷ lệ dược liệu của ta có dư lượng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn rất cao. Trong khi nhiều mẫu dược liệu được nhập về từ Trung Quốc khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lại đạt chất lượng cao hơn dược liệu của Việt Nam.

Không những thế, việc khai thác bừa bãi, bảo tồn không hợp lý đã và đang làm nguồn tài nguyên quý già này ngày một cạn kiệt, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2005, tỷ lệ dược liệu ở Việt Nam dùng để chế biến và sử dụng trong nước chiếm 25%, đến năm 2009 chỉ chiếm 15% và 4 tháng đầu năm 2010 giảm xuống còn 12%.

Khu vực núi Hàm Rồng (Lào Cai), cao nguyên An Khê (Gia Lai và Bình Định)…là những vùng dược liệu phong phú nay đã bị phá bỏ. Các cơ quan chuyên trách cũng đưa ra thống kê về 144 loài cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn như sâm Ngọc Linh, Tam Thất Hoàng, Ba Kích …

Tài nguyên dược liệu của Việt Nam phong phú và đầy tiềm năng nhưng thực tế đáng buồn là chúng ta chưa có nhiều chính sách bảo tồn nguồn gene, nhất là các cây quý. Đơn cử, loài thông đỏ ở Đà Lạt có hàm lượng hoạt chất taxol (dùng để chữa bệnh ung thư) cao gấp 100 lần thông đỏ ở Mexico, nhưng đến nay vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức đến việc bảo tồn và phát triển loài cây này.


Để phát triển bền vững và hiệu quả nguồn dược liệu trong nước, khai thác được hết các tiềm năng sẵn có, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch trồng và khai thác dược liệu, bảo tồn nguồn gene… Và trên hết, nhà nước cần có những chính sách hợp lý gắn kết được sự tham gia của cả các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân trong một mục đích chung là bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước.