Sáng kiến tận dụng nguồn nhiệt của máy điều hoà

ThienNhien.Net – Tận dụng nhiệt thải của máy điều hòa, một sinh viên kỹ thuật đã có sáng kiến thiết kế hệ thống đun nước, tiết kiệm năng lượng, mang lại lợi ích cho môi trường.


Báo Người Lao động số ra ngày 10/06/2010 đã mô tả về hệ thống này, một sáng kiến của sinh viên Lê Văn Dũng, ngành công nghệ tự động Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Theo thiết kế máy lạnh của nhà sản xuất thì gas từ bình nén (lúc này lên đến 900 độ C) sẽ đi thẳng qua bộ phận giải nhiệt làm hạ nhiệt độ xuống còn khoảng trên 300 độ C và nhờ sự chênh lệch, áp suất thấp chuyển gas thành hơi lạnh vào phòng. Còn theo thiết kế của Dũng, thay vì nguồn nhiệt từ bình nóng đi thẳng vào bộ phận giải nhiệt, Dũng nối ống dẫn nguồn nhiệt này qua hệ thống ống dẫn đưa vào bồn chứa nước để làm nóng, trước khi cho trở lại bộ phận giải nhiệt.

Nhờ được dẫn qua bình nước lạnh để làm nóng nên một phần lớn nhiệt đã được làm nguội ở ngay chính bình nước này, do vậy khi đến bộ phận giải nhiệt, máy sẽ hoạt động nhẹ hơn, hơi nóng phả ra ít hơn, tiết kiệm năng lượng do hoạt động ở công suất thấp hơn.

Không những thế, hệ thống còn có một bình nước trung hòa, giúp trung hòa nước được đun và nước chưa đun để điều chỉnh theo từng mục đích sử dụng. Khi máy lạnh không hoạt động, bình trung hòa này sẽ là một máy nước nóng độc lập. Khi máy điều hòa hoạt động thì bình trung hòa sẽ được tự cắt ở máy trung hòa. Lại có cả một hệ thống cung cấp nước cho bình đun và dự trữ nước sau khi đun.

Theo Dũng cho biết, chi phí thiết kế lập trình một hệ thống điều khiển này khoảng 6 triệu đồng. Hệ thống có thể điều khiển cả một nhà máy lớn với nhiều máy lạnh công nghiệp, dân dụng. Nếu trong công sở, nhà máy hay hộ gia đình có nhiều máy lạnh thì đấu nối các máy lạnh này về một bồn nước lớn để sử dụng cho nhiều mục đích như phục vụ cho sinh hoạt , vệ sinh chai lọ, bao bì sản phẩm, sơ chế sản phẩm… Còn đối với các khách sạn có thể tận dụng nguồn năng lượng này để đun nước tắm mà không cần phải dùng mỗi phòng một máy nước nóng.

PGS.TS Lê Chí Hiệp, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đánh giá cao sáng kiến này. Nếu làm đúng qui trình, hệ thống sẽ giúp tận dụng được nguồn năng lượng thừa và giảm tiêu hao điện cho hoạt động của máy lạnh.