Dự luật về năng lượng liệu có "khó cụ thể"?

ThienNhien.Net – Với 12 chương, 48 điều, Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bao quát khá đầy đủ các nội dung cần có. Tuy nhiên, xét về chi tiết, vẫn còn rất nhiều điểm cần bàn. 21 ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận dự luật (sáng 25/5) cho thấy, bức tranh luật định cần rõ ràng chứ không thể chung chung hoặc chỉ đề cập những điều “đã biết”.


Nhập nhằng khái niệm

Vấn đề “khái niệm” được mổ xẻ khá kỹ. Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận), đã là luật thì phải rõ ràng, chính xác, từ khái niệm đến các phạm trù. Trước tiên, phải làm rõ thế nào là “tiết kiệm” và thế nào là “hiệu quả”, hai khái niệm này xét về khía cạnh quản lý kinh tế cũng như kỹ thuật có những nội hàm khác nhau mặc dù có liên quan đến nhau.

Ngoài ra, cần chú ý đến một số khái niệm dễ nhầm lẫn và bị bao trùm bởi các phạm trù khác như: năng lượng, kiểm toán năng lượng… Chẳng hạn, trong dự luật có nêu định nghĩa “năng lượng là nhiên liệu, là điện năng và nhiệt năng năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo”. Nhưng ở khái niệm tiếp theo, lại ghi “nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến từ tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo để làm chất đốt, tức là để tạo ra nhiệt năng”. Như vậy, rõ ràng khái niệm năng lượng được ghi không chính xác vì năng lượng có điện năng, nhiệt năng…, nhưng không phải là nhiên liệu.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) cho rằng, năng lượng phải được hiểu là “sự biểu hiện qua một dạng thức công năng như điện năng, nhiệt năng, thế năng hay các hình thức khác thu được trực tiếp, gián tiếp hoặc thông qua chế biến từ các tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo”. Năng lượng không phải là nhiên liệu, nhiên liệu là khi chúng ta sử dụng nó cung cấp ra năng lượng. Thủy điện là chúng ta tạo ra thành điện, nhưng điện đó là một dạng thức của năng lượng. Do đó, không nên đưa “nhiên liệu” vào khái niệm năng lượng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận xét “Tên gọi Luật là Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thật… lạ. Chúng ta chỉ có Luật an toàn bức xạ chứ không có Luật sử dụng bức xạ một cách an toàn, chúng ta có Luật giao thông đường bộ chứ không có Luật giao thông đường bộ an toàn.” Nếu muốn nói vấn đề tiết kiệm năng lượng thì phải là Luật tiết kiệm năng lượng, còn chữ “hiệu quả” là đương nhiên vì nếu tiết kiệm mà không có hiệu quả thì đó là hà tiện hoặc là cái gì khác chứ không phải là tiết kiệm. Do đó, có thể bỏ chữ “hiệu quả” và đổi chữ “tiết kiệm” lên trên “năng lượng” thì hợp lý hơn và đúng văn phong hơn.

Cũng theo ông Xuân, nên điều chỉnh phạm vi luật cả ở lĩnh vực sản xuất và cung ứng năng lượng, chứ không riêng vấn đề sử dụng năng lượng. Vì chúng ta muốn tiết kiệm năng lượng thì phải thực thi từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến truyền tải năng lượng, chứ không dừng lại ở mỗi khâu sử dụng.

Chưa khớp thực tế

Luật gia Vũ Xuân Tiền đã nhận định, khá nhiều quy định của dự thảo rất đúng và cần thiết về mặt lý thuyết nhưng lại khó thực thi trong đời sống hiện tại. Chẳng hạn, quy định “Dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng; loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả thấp” (khoản 5 điều 5); quy định “Loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu” (khoản 2 điều 17); quy định “Phân làn, phân luồng giao thông hợp lý; Quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường” (Khoản 3 điều 17)…

Theo Luật gia Tiền, nếu thực hiện nghiêm những quy định này thì chỉ trong vòng 10 năm, rất nhiều máy móc, thiết bị sẽ phải thanh lý và điều này đồng nghĩa với việc phải chi nhiều tỉ đô la để mua phương tiện, máy móc thay thế.

Tương tự, dự thảo quy định trách nhiệm đối với hộ gia đình là “Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên…” cũng rất xa vời và dường như không cần thiết. “Vấn đề này không cần luật thì dân người ta cũng làm, không cần có luật của Quốc hội, khi thiết kết người ta cũng phải tính làm thế nào đấy tiết kiệm tối đa…” – Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) góp ý.

Cấm xuất tài nguyên không tái tạo

Chủ đề này nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, bởi tài nguyên quốc gia luôn gắn liền với nguồn năng lượng. Rất nhiều ý kiến đồng tình với việc không nên, thậm chí cấm hẳn việc xuất khẩu tài nguyên không tái tạo. Lý giải điều này, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất khiến chúng ta phải sử dụng tiết kiệm năng lượng là do nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta không nhiều như vẫn tưởng. Chỉ 30 năm nữa, Việt Nam sẽ cạn dầu khí, than cũng sẽ phải nhập khoảng 8 triệu tấn/năm từ năm 2012, thậm chí “có tiền cũng không mua được than”.

Chỉ 3 – 4 năm nữa, Việt Nam sẽ cạn kiệt than, thậm chí có tiền cũng không mua được loại tài nguyên này”. (Ảnh: ThienNhien.Net) 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cũng nhấn mạnh: “Tại sao nước láng giềng của ta không hề thiếu than nhưng chúng ta bán bao nhiêu họ cũng mua? Vì họ để dành khi nào ta hết than thì họ lại bán lại với giá rất cao. Bài toán này ai cũng biết mà tại sao chúng ta không biết để dành? Ông Xuân đề nghị, hàng năm, Chính phủ phải có kế hoạch và báo cáo trước Quốc hội về tình hình thăm dò, khai thác và xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo.

Dán nhãn “tiết kiệm năng lượng” 

Lý do quan trọng khiến tình trạng lãng phí năng lượng gia tăng là do thông tin về những thiết bị tiết kiệm năng lượng chuyển tới người tiêu dùng còn quá hạn chế. Phần lớn thiết bị công nghệ đang sử dụng ở nước ta có hiệu suất năng lượng rất thấp, trong khi đó, cường độ năng lượng trong sản xuất lại cao. Việc dán nhãn năng lượng đối với các thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng, do đó được xem là phương án khả thi nhằm hạn chế tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, một số đại biểu cũng chia sẻ những băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai) cho rằng, cần đơn giản các loại nhãn: nhãn xác nhận, nhãn so sánh, liệu có thể thiết kế 2 nhãn trong 1? Ngoài ra, cần quy định cụ thể việc xử lý đối với những sản phẩm vi phạm không dán nhãn. Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) thì lo ngại, dán nhãn năng lượng là một vấn đề mới, “dụng cụ” dùng đến rất nhiều, liệu chúng ta có làm nổi không? Giả sử chúng ta không làm được thì sẽ là một kẻ hở tiếp tay cho kẻ xấu. Ông đề nghị xét lại vấn đề này vì “tiền giả còn in lậu được, huống chi là nhãn năng lượng”.

Thủ tục pháp lý và thời gian dán nhãn (khoảng 12 tháng) cũng là một trở ngại cho các doanh nghiệp nếu không phân bổ hợp lý – Đại biểu Mai Thị Tuyết (An Giang) chia sẻ.

Quy định tỷ lệ ưu đãi

Tại khoản 1 điều 38, dự luật chỉ nói một cách chung chung là “các chương trình, dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Điều này khiến nhiều đại biểu lo lắng. Bà Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, nếu luật chỉ quy định như thế thì rất khó phân biệt dự án nào được hỗ trợ một phần, dự án nào được hỗ trợ toàn bộ? Cần có quy định cụ thể để dễ bề áp dụng thực tiễn.

Riêng đối với những ưu đãi về thuế và đất (khoản 3, điều 38), bà đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tỷ lệ ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như vấn đề sử dụng đất là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Bởi việc ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu dành cho doanh nghiệp chủ yếu là nhằm thu hút đầu tư, chứ không phải là chính sách ưu đãi cho năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Nếu chúng ta có những khuyến khích riêng về vấn đề này, thì cần khẳng định tỷ lệ ưu đãi mức là bao nhiêu %, trong thời gian bao lâu” – bà Hoa Ry chia sẻ.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu cũng thảo luận, góp ý về quy định mức thưởng cho những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với các đơn vị, cơ quan sử dụng năng lượng bằng kinh phí Nhà nước; bổ sung một số điều khoản thừa – thiếu trong dự luật…