Mù Cang Chải: Gắn sinh kế của người dân với bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Từ cuối tháng 10/2009 đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xảy ra 7 vụ cháy rừng làm thiệt hại hơn 130 ha. Để bảo vệ rừng, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân Mù Cang Chải, đồng thời đưa ra các giải pháp gắn lợi ích kinh tế của người dân với bảo vệ rừng.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Công an nhân dân số 1749 ra ngày 11/05/2010, vào giai đoạn mùa khô hanh năm 2008-2009, đã có 11 vụ cháy rừng xảy ra tại Mù Cang Chải làm thiệt hại hơn 190 ha rừng. Trong khi đó, toàn huyện hiện có trên 1300 ha lúa nương với 70% diện tích nằm ở bìa rừng khiến việc quản lý đốt rừng gặp nhiều khó khăn.

Tại Mù Cang Chải, đồng bào sinh sống chủ yếu là người H’Mông (91%), trong đó số thiếu đói lại rất cao nên việc khai thác các sản vật từ rừng để kiếm sống là phương kế duy nhất. Việc trồng và phát triển cây thảo quả thời gian gần đây cũng gây nhiều mối lo cho công tác bảo vệ rừng. Bởi nhẽ, trước mùa thu hoạch thảo quả vào tháng 11 hàng năm, trên diện tích gần 1000ha của toàn huyện, người dân phải chặt cây rừng làm củi để sấy khô thảo quả, gây ảnh hưởng đến các khu rừng tự nhiên, phòng hộ, nguy cơ cháy có thể xảy ra.

Để bảo vệ rừng được tốt hơn, trong Nghị quyết 30A của Chính phủ đối với 62 huyện nghèo nhất trên cả nước, trong đó có Mù Cang Chải, mức giao khoán bảo vệ rừng đã được nâng từ 30.000đồng/ha lên 200.000đồng/ha nhằm tạo nguồn thu nhập cho người dân sống gần rừng.

Ngoài chính sách chung đó, Mù Cang Chải cũng có những chính sách riêng nhằm gắn lợi ích kinh tế của người dân với rừng. Điển hình là việc phát triển cây táo mèo dưới tán rừng phòng hộ, bên cạnh đó là tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng phù hợp với từng thôn, xã…