Tiết kiệm nguồn vốn tự nhiên để phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo “Nguồn vốn tự nhiên trong bối cách thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với quỹ Hanns Seidel (HSF) phối hợp tổ chức ngày 09/11 tại Hà Nội.

PES được coi là “chìa khóa” giúp bảo vệ tài nguyên rừng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Theo tiến sỹ Jana Juhrbandt (Cố vấn về kinh tế tài nguyên môi trường của ISPONRE), Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng trong những năm gần đây nhưng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên khiến môi trường bị suy thoái và các hệ sinh thái quan trọng bị phá hủy. Kinh tế xanh tuy là khái niệm mới mẻ trên thế giới nhưng Việt Nam cần “đi tắt đón đầu”, hướng tới phát triển dựa trên hệ sinh thái và lợi thế về vốn tự nhiên; phát triển carbon thấp; phát triển ít chất thải.

Về những thách thức với nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Danh Sơn (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định là do hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng nên chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm gây suy thoái môi trường, tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao. Các ngành sản xuất năng lượng sạch cũng như các ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế… còn yếu kém.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng phát triển kinh tế xanh trước hết cần ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững, thay đổi mô hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sinh khối, năng lượng thay thế, đẩy mạnh chi trả dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm nguồn thu cho người dân sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó cần sớm điều chỉnh và xây dựng hệ thống luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển kinh tế xanh làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách quản lý phát triển kinh tế phù hợp ở các cấp, các ngành.